Hiện, các bệnh nhân đang khám và điều trị tại bệnh viện ở TP.HCM. Dù lễ, họ vẫn xin bệnh viện ở lại để theo dõi thêm.
Mới đây, theo thông tin từ VietNamNet, các bác sĩ và bệnh nhân đã tâm sự về bệnh tình của họ. Cụ thể, những người lớn tuổi nhập viện đều cảm thấy lo lắng khi mắc COVID-19, các ca bệnh do lây nhiễm chéo COVID-19, ở mức độ nhẹ và trung bình và 86% ca Covid-19 nhập viện có bệnh nền.
Một tuần trước, ông B.V.B (77 tuổi) bị kiệt sức và ngất xỉu ngay tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 nên ông phải nhập viện điều trị.
“Đợt dịch trước cả nhà đều mắc Covid-19 nhưng nhẹ và qua hết. Lần này tôi sợ nguy hiểm vì huyết áp và đường vẫn chưa ổn định, mệt mỏi, kiệt sức”, ông nói. Ông đã tiêm 4 mũi vắc xin Covid-19.
Cùng phòng bệnh là bà cụ 91 tuổi sống ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cách đây ít ngày, bà bị ho, rát họng, mệt mỏi nhưng nghĩ bị cảm do thời tiết nóng nực. Khi đứng lên ngồi xuống, bà bất ngờ bị ngã. Gia đình vội đưa đi cấp cứu và phát hiện bà mắc Covid-19.
“Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin. Cả nhà ai cũng âm tính, hai người bạn đến chơi cũng không sao. Vậy mà tôi bị mắc Covid-19, lạ thật!”, bà nói trên VietNamNet.
Theo bác sĩ Trần Văn Quang, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) thông tin trên VietNamNet, gần 20 ca mắc Covid-19 có chỉ định nhập viện tại cơ sở này đều ở mức độ nhẹ và trung bình.
Nhiễm Covid-19 khi đang điều trị bệnh khác cũng gặp phải ở một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.Trước đó, khoảng giữa tháng 4, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng ghi nhận một bệnh nhi bị lây Covid-19 từ bà ngoại (người chăm sóc trực tiếp).
Bé phải phẫu thuật do mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh và mắc Covid-19 trong thời gian hậu phẫu. Mặc dù không có triệu chứng bệnh hô hấp, bé vẫn được chuyển theo dõi tại Khoa Hồi sức Nhiễm - Covid-19 do có bệnh nền. Kết quả phân tích của Sở Y tế TP.HCM trên 180 bệnh nhân Covid-19 nhập viện (số liệu đến ngày 23/4) cho thấy 86% có bệnh nền. Cùng thời điểm này, Bệnh viện Thống Nhất (thuộc Bộ Y tế) điều trị cho 20 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 100% đều có bệnh nền tim mạch hoặc hô hấp, đa số trên 65 tuổi, riêng người trên 80 tuổi chiếm tỷ lệ 30%.
Theo các bác sĩ, tỷ lệ Covid-19 nặng ở giai đoạn này không nhiều như năm 2021. Tuy nhiên, những người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch vẫn có nguy cơ tăng nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo VOV, đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay trùng với thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nhiều hơn. Từ thực tế năm 2021 dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam trong và sau nghỉ lễ 30 tháng 4, mùng 1 tháng 5, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến nghị tiếp tục các biện pháp nới lỏng nhưng không thả lỏng, khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K dự phòng bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp.
“Việc đeo khẩu trang không chỉ phòng COVID-19 mà còn phòng các bệnh khác lây truyền qua đường hô hấp. Khi đi du lịch nhiều nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 tăng lên, cần phải đeo khẩu trang. Hiện nay, Bộ Y tế không bắt buộc cứ ra đường phải đeo khẩu trang, nhưng cần đeo trong môi trường kín, chỗ tập trung đông người người có triệu chứng nghi ngờ nên đeo khẩu trang để không lây sang người khác... Thứ 2 là rửa tay khử khuẩn rất tốt trong phòng chống bệnh COVID-19 và bệnh về đường tiêu hóa, nhất là khi đi du lịch thường tổ chức ăn uống nhiều”, ông Phu nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay COVID-19 chưa mất đi, mà vẫn tồn tại lưu hành và lây lan, các chuyên gia khuyến cáo quan tâm bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, gồm người già, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai… để hạn chế trường hợp bệnh diễn tiến nặng hoặc tử vong. Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng phối hợp với các Viện chức năng thường xuyên theo dõi sự xuất hiện của virus biến chủng, nhất là nếu có trường hợp tử vong bất thường xảy ra.
Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có công văn gửi các bệnh viện, sở y tế thực hiện chế độ ứng trực đợt nghỉ lễ, sẵn sàng đáp ứng khi dịch COVID-19 bùng phát. TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lưu ý hệ thống khám chữa bệnh dự phòng tình huống nhiều ca bệnh nhập viện khi số ca mắc COVID-19 tăng cao:
“Những năm qua, trong từng giai đoạn, chúng ta đã ứng phó thích ứng, chuyển đổi linh hoạt để có thể kiểm soát được dịch và hạn chế thiệt hại do dịch gây ra. Có 3 vấn đề lớn tiếp tục phải thích ứng. Thứ nhất là chủ động ứng phó với các tình huống của dịch bệnh. Thứ 2 là hạn chế lây nhiễm và hạn chế tử vong. Thứ 3 là duy trì hoạt động của các bệnh viện, tránh tình trạng phải đóng cửa bệnh viện (phong tỏa”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết thêm./.