Trong tuần vừa qua (từ 7 đến 14/7), toàn Hà Nội ghi nhận 290 ca mắc SXH mới, tăng gần gấp đôi so với số mắc ở các tuần trước đó. Số ổ dịch được phát hiện ở tuần trước cũng tăng gấp 3 lần, với 22 ổ dịch được phát hiện…
Theo thông tin từ An ninh Thủ đô, với diễn biến số ca mắc, số ổ dịch >sốt xuất huyết tăng nhanh từ đầu tháng 7 đến nay, cộng thêm yếu tố đã bước vào mùa mưa, nhiều chuyên gia nhận định Hà Nội có thể trở thành điểm nóng dịch sốt xuất huyết.
Trong tuần vừa qua (từ 7 đến 14/7), toàn Hà Nội ghi nhận 290 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng gần gấp đôi so với số mắc ở các tuần trước đó. Số ổ dịch được phát hiện ở tuần trước cũng tăng gấp 3 lần, với 22 ổ dịch được phát hiện…
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra, giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết dù đã được xử lý nhưng vẫn ở mức nguy cơ rất cao.
Cụ thể, nếu khu vực có chỉ số BI (Breteau index) từ 20 trở lên thì được xác định là có yếu tố nguy cơ cao bùng phát dịch. Qua giám sát tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội có chỉ số BI vượt gấp đôi ngưỡng này, như thôn Văn Hội, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=40); thôn Bàn, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (BI=35)…
Không chỉ số mắc sốt xuất huyết tăng nhanh mà số ca biến chứng nặng, phải nhập viện cũng tăng mạnh. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vào đầu tháng 7 chỉ có 8 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú nhưng 2 tuần trở lại đây đã tăng lên gần 30 bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nếu như cả tháng 6-2023 có hơn 10 ca SXH điều trị thì chỉ tính riêng 1 tuần đầu tiên của tháng 7 đã ghi nhận tới 7 ca bệnh phải nhập viện điều trị…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), tại khu vực miền Bắc, dịch bệnh SXH đang có dấu hiệu phức tạp hơn, đặc biệt là Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ là “điểm nóng” về SXH. Dự báo, từ tháng 7 đến tháng 11, thành phố sẽ đối diện với nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng nhận định, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều như hiện nay sẽ tạo điều kiện để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển và nguy cơ bùng phát dịch nếu không dự phòng tốt.
Về giải pháp, ông Tuấn đề nghị tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp để người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.
Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay. Cần tích cực diệt bọ gậy bằng cách thả cá hoặc thả hóa chất vào các dụng cụ chứa nước đọng...
Dẫn tin từ VTV, qua kiểm tra thực tế một số địa phương cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, như ở khu vực ngoại thành, các hộ gia đình vườn rộng, nhiều phế thải, phế liệu và các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, bể nước mưa có bọ gậy... Ở khu vực nội thành, mật độ dân cư cao, người dân dù được tuyên truyền nhưng vẫn thờ ơ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đơn giản như phòng tránh muỗi đốt.
Để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt kết quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế cần sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, thay đổi hành vi chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ >sức khỏe bản thân ngay tại gia đình bằng những việc làm rất đơn giản hằng ngày như: loại bỏ các vật dụng chứa nước, diệt loăng quăng, bọ gậy; chủ động phòng chống muỗi đốt. Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay.