Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 3 đến tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn.
Theo thông tin từ TTXVN, trong tháng 7 năm nay, >sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam đã tăng cao hơn so với dự báo. Đặc biệt là xuất hiện nhiều ca bệnh nặng ở cả người lớn và trẻ em.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong tuần qua, đơn vị này tiếp nhận một bé trai 5 tháng tuổi, (nặng 11kg, trú tại tỉnh Bình Thuận) trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng.
Trước đó, bệnh nhi sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 bớt sốt nhưng ói ra dịch nâu, bụng chướng, nổi chấm xuất huyết trên da và được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương.
Kết quả các xét nghiệm cho thấy, trẻ bị cô đặc máu với dung tích hồng cầu 48% (bình thường chỉ 30-35%), tiểu cầu giảm.
Ngay lập tức, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và được điều trị chống sốc theo phác đồ.
Tuy nhiên, do cơ địa trẻ dư cân béo phì (ở độ tuổi này, cân nặng tiêu chuẩn của trẻ chỉ ở mức 6-7kg), rất khó tiếp cận đường truyền, các bác sỹ tuyến dưới hội chẩn, chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được điều trị tích cực bằng dung dịch cao phân tử Dextran dựa theo cân nặng điều chỉnh để chống sốc.
Diễn tiến bệnh những ngày sau đó rất phức tạp, trẻ biểu hiện sốc kéo dài, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa, toan chuyển hóa, hạ đường huyết.
Các bác sỹ phải liên tục điều trị chống sốc, sử dụng thuốc vận mạch, hỗ trợ gan như điều chỉnh đường huyết, điện giải, kiềm toan, tiêm vitamin K1, điều trị rối loạn đông máu bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu đậm đặc.
Đến ngày thứ 7, bệnh nhi sốt cao đột ngột, xét nghiệm máu thấy phản ứng viêm tăng cao nên được sử dụng thêm thuốc điều hòa miễn dịch. Sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, được cai thở oxy, bú khá.
“Đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng rối loạn đông máu, tổn thương các cơ quan xảy ra ở cơ địa trẻ nhũ nhi dư cân, gây khó khăn cho các bác sỹ trong việc ra quyết định điều trị thích hợp,” bác sỹ Nguyễn Minh Tiến nhận xét.
Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tuần 29 vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.
Theo Sở Y tế TP.HCM, quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm tại TP.HCM, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng và sẽ tăng cao trong tháng 8, dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm.
Trong khi đó, trước đó, qua giám sát, tỉ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ gần 48% (49/103 điểm). Đây là con số đáng báo động. Tỉ lệ này sẽ cao hơn nữa khi TP.HCM mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết.
Riêng tại quận Gò Vấp, năm nay, số mắc giảm 35,45% so với cùng kỳ năm 2022. Trên địa bàn đã phát hiện 9 ổ> dịch sốt xuất huyết nhỏ và đang theo dõi 1 ổ dịch. Trong khi đó, trong năm 2022, địa bàn ghi nhận 51 ổ dịch sốt xuất huyết.
Để đối phó với dịch sốt xuất huyết, nhiều đơn vị xây dựng trên địa bàn TP.HCM cũng rất quan tâm, chú trọng. Theo đó, các đơn vị thực hiện dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, che chắn lại các khu vực vệ sinh, không để lại các vũng nước trên công trường, đồng thời thực hiện diệt loăng quăng ở các vị trí đọng nước lâu ngày, phun diệt muỗi định kỳ 1 tháng/2 lần.
"Hàng ngày, hàng tuần, chúng tôi đều cắt cử người kiểm tra vấn đề phòng chống muỗi và sốt xuất huyết tại công trường", chị Ong Thị Kiều Nhiên, Giám sát phụ trách an toàn lao động và vệ sinh môi trường Trung tâm thương mại dịch vụ - siêu thị Gò Vấp thông tin.
Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, quận là một trong những địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân thấp nhất thành phố. Tuy nhiên, quận không được chủ quan. Vì đây là địa bàn rất phức tạp với nhiều kênh, rạch, cống rãnh, lưu thông kém, nhiều khu vực bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng, đất trống, gia đình đang đô thị hóa, đất trồng hoa xen lẫn nghĩa trang. Ngoài ra, còn có nhiều nơi thờ tự, nhóm thanh niên, nhà bán cây và lọ, quán cà phê và nhà hàng.
Hiện quận có 290 điểm nguy cơ có khả năng phát sinh bệnh sốt xuất huyết. Do đó, trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, vai trò trọng tâm vẫn là lãnh đạo địa phương làm tổng chỉ huy. Thời gian qua, quận lập nhiều đoàn kiểm tra để đúc thúc, chấn chỉnh việc loại bỏ các điểm nguy cơ có thể phát sinh lăng quăng.
"Quận xác định việc xử phạt không phải là biện pháp hữu hiệu mình phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đó là cũng là một việc phải làm. Không phải ngay từ đầu là xử phạt ngay mà sẽ phải xuống kiểm tra, nhắc nhở để chấn chỉnh nhiều lần. Nếu những trường hợp nào mà phường đã nhắc nhở nhưng không hợp tác, không phối hợp tốt, không khắc phục thì lúc đó sẽ phải xử phạt đó", bà My Thư cho biết.