Nhận thấy sản phụ có dấu hiệu bất thường, cô đỡ đã vận động sản phụ cấp cứu và hỗ trợ bệnh nhân 'vượt cạn' thành công.
Theo Báo Pháp Luật, sáng 13/5, chị Ch. đau bụng nhiều, nhưng đã trải qua 4 lần sinh nở nên gia đình không gọi cô đỡ. Đến khoảng 10h30 cùng ngày, >sản phụ đau nhiều hơn, gia đình mới vội vàng gọi điện cho cô đỡ Bàn Thị Hòa đến thăm khám.
“Khi tiếp cận sản phụ cổ tử cung đã mở được gần hết, tiến hành thăm khám tôi sờ thấy có cái gì đó thòng lòng và có biểu hiện khác thường so với những sản phụ khác. Thậm chí chị Ch. còn không thể ngồi dây được”, cô đỡ Hòa chia sẻ trên Báo Pháp Luật.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, cô đỡ đã gọi báo trạm y tế phối hợp, đồng thời vận động gia đình đưa sản phụ lên tuyến trên. Chị Hòa cũng nhanh chóng hướng dẫn gia đình cách vận chuyển bệnh nhân sao cho an toàn và nhanh nhất.
“Quãng đường chuyển bà mẹ lên trạm chị luôn theo sát và động viên sản phụ, mang theo dụng cụ đỡ đẻ. Lên đến trạm y tế xã Mường Do, nữ hộ sinh ở trạm thông báo sản phụ bị >sa dây rau và nhanh chóng gọi xe cấp cứu lên tuyến trên. Trên đường di chuyển tôi và cô nữ hộ sinh phối hợp kiểm tra nhịp tim cho em bé, động viên sản phụ không lo lắng”, cô đỡ Bàn Thị Hòa nhớ lại.
May mắn khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên, các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời, 2 mẹ con sản phụ đã vượt qua nguy hiểm, em bé khỏe mạnh. Sức khỏe 2 mẹ con đã ổn định.
Theo VTV trước đây, từng có trường hợp sản phụ P.T.H. (27 tuổi, trú tại Yên Thành, Nghệ An) nhập viện sinh con so, thai 40 tuần 2 ngày. Sản phụ được theo dõi sát tại phòng đẻ.
Đến tối cùng ngày, khi cổ tử cung sản phụ mở 3cm, ThS.BS Trần Cảnh, Khoa Phụ khám và phát hiện sa dây rau.
"Nếu không cấp cứu kịp thời, dây rau sẽ bị đầu thai nhi chèn vào phần khung xương chậu gây nên tình trạng ngưng trễ tuần hoàn mẹ con, làm thai nhi không trao đổi chất được với mẹ. Oxy sẽ không truyền được cho bé thì nguy cơ bé tử vong ngay trong bụng mẹ. Vì vậy, tay trong âm đạo sản phụ giữ nguyên từ lúc đó, tôi phát động cấp cứu" - ThS. BS. Trần Cảnh thông tin trên VTV cho hay.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Cốc Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, dây rốn sa xuống bị chèn ép giữa ngôi thai và thành chậu hông khi chuyển dạ sẽ khiến việc cung cấp máu từ mẹ sang thai nhi bị giảm hoặc chặn toàn bộ. Đây là một trong những tai biến vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi bác sĩ sản khoa phải có chuyên môn giỏi để có thể xử trí nhanh chóng và chính xác. Vì nếu không cấp cứu kịp thời sẽ khiến thai bị suy hô hấp, hôn mê và tử vong. Nếu sống sót, em bé cũng rất dễ bị tổn thương não do thiếu oxy khi chuyển dạ.
Sản phụ được đẩy lên phòng mổ và tay bác sĩ giữ chặt, đẩy ngôi thai lên cao qua ngả âm đạo để tránh tối đa chèn ép dây rau đã bị sa. Đồng thời, kíp trực gây mê và hồi sức sơ sinh nhanh chóng có mặt tham gia vào ca mổ cấp cứu lấy thai.
Chỉ sau ít phút báo động, ca phẫu thuật đã được tiến hành, bé gái 3,1 kg khóc vang khỏe mạnh. Hiện tại, sản phụ và bé sơ sinh đã ổn định.
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây sa dây rau như: Mẹ đẻ nhiều lần nên ngôi thai bình chỉnh không tốt, khung chậu hẹp, méo và có khối u tiền đạo và kèm theo vỡ ối đột ngột. Khi bị sa dây rau khi chuyển dạ, sản phụ có dấu hiệu ra nhiều nước ối, cổ tử cung thường chưa mở hết, ngôi thai còn cao, có thể là ngôi bất thường… Do đó, trong thai kỳ, thai phụ nên đi khám thường xuyên để được theo dõi, xử lý kịp thời.