Người phụ nữ 40 tuổi thấy khó thở, đau ngực, co cứng toàn thân, có triệu chứng ngộ độc thuốc gây tê.
Theo Báo Gia Lai, ngày 19-3, bác sĩ Trần Công Cẩn-Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) thông tin vừa tiếp nhận cấp cứu 1 nữ bệnh nhân 40 tuổi (trú tại TP. Hạ Long) khó thở, đau ngực, chóng mặt, mắt nhìn mờ sau tiêm thuốc gây tê Lidocain tại phòng >khám răng tư nhân.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy đã khẩn trương tiến hành truyền tĩnh mạch dung dịch Lipid 20% theo phác đồ, kiểm soát đường thở. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực và chống độc để tiếp tục theo dõi. Sau 24 giờ, huyết động của bệnh nhân ổn định, không còn các triệu chứng ngộ độc.
Theo VTC, thuốc tê, đặc biệt là các thuốc tê nhóm amid (như Lidocaine, Bupivacaine, Levobupivacaine, Ropivacaine) được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, các chuyên khoa như răng hàm mặt, sản khoa.
Ngộ độc thuốc tê là tình trạng độc tính thuốc ảnh hưởng toàn thân, nổi trội ở hệ thần kinh trung ương và hệ tuần hoàn. Khi đưa thuốc tê vào cơ thể, thuốc sẽ được hấp thu vào mạch máu. Tính độc của thuốc ảnh hưởng ít hay nhiều tùy thuộc vào nồng độ cũng như cơ địa người bệnh.
Ngộ độc ở hệ thần kinh trung ương bao gồm biểu hiện kích thích từ nhẹ đến nặng như bứt rứt, khó chịu, thay đổi vị giác, nói nhảm, co giật nhóm cơ ở vùng đầu mặt cổ, co giật toàn thân; hoặc ức chế (lơ mơ, giảm đáp ứng, ngủ gà, thậm chí hôn mê).
Ngộ độc thuốc tê ở hệ tuần hoàn thể hiện ở dấu hiệu kích thích trong giai đoạn đầu như huyết áp tăng, tim đập nhanh, vã mồ hôi; giai đoạn muộn với triệu chứng nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền thần kinh tim, huyết áp tụt, nặng nhất là ngưng tuần hoàn, tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân có các biểu hiện >ngộ độc thuốc tê cần ngưng việc tiêm thuốc này. Người dân nên lựa chọn những cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt uy tín để nhổ răng hoặc can thiệp thẩm mỹ, xử trí kịp thời khi xảy ra các biến chứng, ngộ độc do thuốc gây tê.