Trước vụ việc nhân viên lao công cơ sở thẩm mỹ Kangzin thực hiện dịch vụ phẫu thuật làm đẹp cho khách hàng khiến dư luận xôn xao, chuyên gia thẩm mỹ lên tiếng cảnh báo.

Thanh Thủy 19:03 14/08/2023

Ngày 14/8, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết vừa kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm tại Thẩm mỹ viện Kangzin, nghiêm trọng nhất là để một nữ lao công không có chuyên môn trực tiếp phẫu thuật căng da mặt cho khách.

Thông tin ban đầu, lúc 11h ngày 12/8, Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường Công an quận Thanh Khê kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại cơ sở Thẩm mỹ Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn) ở địa chỉ tại số 368 đường Hùng Vương và phát hiện hàng loạt các lỗi vi phạm.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, chủ> cơ sở thẩm mỹ viện Kangzin không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ như giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh; văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế cấp; hợp đồng thu gom rác thải nguy hại và sổ giao nhận rác thải nguy hại với công ty thu gom, chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại cơ sở.

Nữ lao công của thẩm mỹ viện Kangzin phẫu thuật căng da mặt cho khách (Ảnh: CACC)

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng ghi nhận cơ sở không trang bị thùng rác chuyên dụng có nắp đậy tại khu vực cung cấp dịch vụ, không trang bị, bố trí thùng rác chuyên dụng (cỡ lớn) để thu gom, lưu trữ rác thải nguy hại và vứt rác thải y tế cùng rác thải sinh hoạt trên vỉa hè trước cơ sở kinh doanh.

Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện nhân viên cơ sở này là bà T.T.T đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho khách hàng.

Qua làm việc, bà T. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề và cho biết bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.

Cạnh đó, cơ sở thẩm mỹ này cũng không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…

Vụ việc được Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường lập biên bản và tiếp tục điều tra, xử lý.

Trước sự việc trên, chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, ThS.BS Phạm Duy Linh - Thành viên hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho biết, theo thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000 - 35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỉ lệ là 14%.

Đáng chú ý, trong quá trình công tác, bác sĩ Linh đã tiếp nhận không ít trường hợp gặp biến chứng sau phẫu thuật do tay nghề, kỹ thuật không tốt, nên có những bệnh nhân khi đến viện đã bị nhiễm trùng, biến chứng nặng phải mổ cấp cứu để cứu chữa.

ThS.BS Phạm Duy Linh - Thành viên hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (Ảnh: BSCC)

Do đó để đảm bảo an toàn, bác sĩ Linh khuyến cáo, khi lựa chọn cơ sở >làm đẹp, người dân nên chọn phòng khám chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, có phòng mổ với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Với những ca phẫu thuật lớn, có chỉ định gây mê như các phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng, làm mũi cấu trúc, căng da mặt, đặt túi ngực... cần làm ở bệnh viện vì các phẫu thuật này đòi hỏi khâu gây mê và vô trùng nghiêm ngặt.

“Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng mọi người nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ để được làm đẹp một cách an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Theo Thuý Ngà/Gia đình Việt Nam