Theo VnExpress dẫn nguồn từ Time, biến chủng KP.2, một nhánh con của Omicron, sở hữu hai đột biến đặc biệt giúp lây truyền nhanh, có thể trốn tránh được miễn dịch.
Thông tin được công bố trên bioRxiv, một nền tảng lưu trữ bản thảo khoa học trước khi được bình duyệt, hôm 4/5.
Nhóm biến chủng này là nhánh con của Omicron, xuất phát từ JN.1, lây lan mạnh tại Mỹ vào mùa đông vừa qua. KP.2 chiếm khoảng 25% số ca mắc được giải trình tự kể từ ngày 20-27/4, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Giáo sư Albert Ko, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết KP.2 có thêm hai đột biến khác biệt so với JN.1, mang lại lợi thế về lây lan và trốn tránh miễn dịch.
"Vẫn còn ở những ngày đầu biến chủng phát triển, nhưng ấn tượng của giới y khoa là KP.2 khá dễ lây truyền", William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nhận định.
Các chuyên gia lưu ý tỷ lệ ca nhiễm KP.2 ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ của các biến chủng khác đang giảm. Điều này cho thấy KP.2 có lợi thế xâm nhập cơ thể. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy KP.2 đã đột biến đến mức các vaccine hiện nay chỉ có thể bảo vệ được một phần. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý còn quá sớm để đưa ra bất cứ lời cảnh báo nào khiến cộng đồng hoang mang.
Biến thể Omicron là gi?
Biến thể Omicron là biến thể của virus Sars-Cov-2 gây bệnh Covid-19. WHO xác định đây là một biến thể đáng lo ngại, bởi dựa trên những bằng chứng nghiên cứu cho thấy biến thể này có một số đột biến làm thay đổi hành vi của chúng. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm đánh giá khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tái nhiễm từ biến thể này đối với người bệnh.
Người bệnh mắc Covid-19 do biến chủng Omicron có triệu chứng tương tự như các biến thể trước đó, trong đó ho là triệu chứng thường gặp nhất. Sau ho, người bệnh có các triệu chứng khác như đau họng, sổ mũi, hắt xì, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, giảm khả năng vị giác, giảm khứu giác, khó thở và có thể đau bụng. Sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thê do chủng ngừa vắc xin Covid-19 không sinh đủ kháng thể hoặc người có bệnh nền, người mắc tình trạng suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh hệ thống trước đó.
Cũng như các biến thể khác trước đây, Omicron lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, lây truyền qua tiếp xúc với vật thể có lưu giữ virus. Theo CDC, bất kỳ ai nhiễm biến thể Omicron đều có thể lây truyền virus cho người khác dù họ đã được tiêm chủng hoặc không có các triệu chứng mắc bệnh.
Biến chủng Omicron được phát hiện ở đâu, khi nào?
Biến chủng Omicron lần đầu tiên được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 24/11/2021. Thời điểm đó biến thể Delta vẫn là biến thể có mức độ lây lan nguy hiểm nhất. Sau đó không lâu, mức độ lây lan của biến thể Omicron đã tăng mạnh mẽ, trở thành biến thể có mức độ lây lan nhanh nhất. Cho đến nay, biến thể Omicron đã được phát hiện và ghi nhận ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, ngành dịch tễ đã ghi nhận Omicron xuất hiện đầu tiên ở TP HCM và Hà Nội, sau đó lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với mức độ lây lan nhanh, Omicron đã dần dần thay thế biến thể Delta.