Các bệnh lý về hô hấp tuyệt đối không thể chủ quan vì dễ biến chứng sang suy hô hấp. Nhất là các bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính được Tổ chức Y tế thế giới xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu.
Theo thông tin từ VTV, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến ở nước ta cũng như trên thế giới. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, khạc đờm mạn tính và tức nặng ngực. Nguyên nhân gây bệnh là do tiếp xúc lâu ngày với khói bụi, khí độc hại,… đặc biệt là khói thuốc lá. Những tác nhân này sẽ làm tăng bài tiết đờm, thay đổi cấu trúc đường dẫn khí (phế quản), dẫn tới hẹp các đường dẫn khí và phá hủy nhu mô phổi. Từ đó làm rối loạn luồng khí ra vào phổi và gây ra triệu chứng đặc trưng của bệnh.
Theo WHO, trên toàn cầu, ước tính hiện nay có 384 triệu ca mắc COPD. COPD gây ra 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm (tức là khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm), đứng thứ 3 gánh nặng tử vong bệnh tật. Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các ca COPD chiếm tỷ lệ 4,2% ở đối tượng trên 40 tuổi trở lên.
Người bệnh COPD thường có các đợt cấp tính, đó là những đợt nặng lên của các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, khó thở, nguyên nhân thường gặp do nhiễm trùng, không khí bị ô nhiễm. Do đó, các đợt cấp thường gặp vào thời điểm thời tiết giao mùa, thời tiết diễn biến xấu. Vì vậy, để phòng tránh đợt cấp, người bệnh COPD cần được giữ ấm khi trời trở lạnh; tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất độc hại…; rèn luyện sức khoẻ, các bài tập phục hồi chức năng phổi như thở hoành, thở chúm môi, đi bộ…
Dẫn tin từ VOV, bác sĩ Nguyễn Thị Định, Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết, các bệnh lý về hô hấp tuyệt đối không thể chủ quan vì dễ biến chứng sang suy hô hấp. Nhất là các bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính được Tổ chức Y tế thế giới xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu.
Để phòng ngừa chứng bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Định khuyến cáo mỗi người nên tránh tiếp xúc với khói thuốc, môi trường ô nhiễm không khí; tăng cường giữ ấm hơi thở; thường xuyên vệ sinh miệng, họng, nhất là trong mùa đông, lúc giao mùa khi các chủng virus, vi khuẩn hoạt động mạnh.
“Với những người chưa mắc các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là bệnh hen COPD thì khuyến cáo trước mùa lạnh nên tiêm cúm và cố gắng tiêm mỗi năm một lần; tuân thủ việc dùng thuốc để ngừa cơn, ngừa tái phát. Đồng thời, loại bỏ các yếu tố nguy cơ bằng cách tránh lạnh, giữ ấm, ăn đủ các chất >dinh dưỡng, và phải tập thở phục để hồi chức năng hô hấp”, bác sĩ Nguyễn Thị Định cho biết.