Ngày 22/8, tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Sở Y tế cho biết, hiện nay, các loại bệnh truyền nhiễm dự báo gia tăng trên địa bàn TP.HCM nhất là khi bước vào năm học mới là: Sởi, Sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Theo Sở Y tế, tính từ ngày 12/8-18/8/2024 (tuần 33), tại TP.HCM ghi nhận 299 trường hợp mắc bệnh >sốt xuất huyết, tăng 17,8% so với trung bình 4 tuần trước (254 ca). Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 33 là 5.753 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, TP. Thủ Đức và Quận 7.
Tuần 33 cũng ghi nhận 100 ca sốt phát ban nghi sởi tăng hơn gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Cụ thể, trong 100 ca sốt phát ban nghi sởi có 17 ca xác định phòng thí nghiệm (17%), 61 ca lâm sàng (61%) và 22 ca loại trừ (22%). Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến hết ngày 21/8/2024 là 353 ca trong đó có 188 ca xác định phòng thí nghiệm, 165 ca lâm sàng. Các quận huyện ghi nhận ca sởi xác định phòng thí nghiệm trong tuần 33 là Bình Chánh (09 ca), Bình Tân (06 ca), Quận 8 (01 ca) và TP. Thủ Đức (01 ca).
Về phân bố theo nhóm tuổi, trong 78 ca sởi (17 ca dương tính, 61 ca lâm sàng) được ghi nhận ở tuần 33 có 18 ca dưới 9 tháng tuổi (23,1%), 45 ca từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi (57,7%) và 15 ca trên 5 tuổi (19,2%). So sánh với tuần 24, số ca sởi ghi nhận trong tuần 33 tăng gấp 4,3 lần (tuần 24 có 18 ca sởi trong đó 7 ca dưới 9 tháng, 10 ca từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi và 1 ca trên 5 tuổi). Bên cạnh đó, bệnh có sự dịch chuyển từ trẻ thuộc độ tuổi tiêm chủng (9 tháng đến dưới 5 tuổi) sang trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) và trẻ trên 5 tuổi.
Trước "diễn biến phức tạp" của >bệnh sởi trên địa bàn Thành phố, Sở Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới trên địa bàn Thành phố, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong.
Đối với bệnh Sởi: Trước sự gia tăng nhanh chóng số ca sởi trên địa bàn Thành phố và các tỉnh trong khu vực, Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế quyết liệt hơn nữa trong triển khai 2 nhóm hoạt động trọng tâm gồm:
Thứ nhất, kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng gồm các hoạt động như: giám sát phát hiện và khoanh vùng sớm ổ dịch sởi; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động tiêm chủng, rà soát lập danh sách trẻ để mời tiêm chủng vắc xin sởi, đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi đạt trên 95%.
Thứ hai, bảo vệ các trẻ em thuộc nhóm nguy cơ mắc sởi nặng gồm các hoạt động như rà soát và tổ chức tiêm chủng tại bệnh viện cho các trẻ này; tập huấn chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ; tăng cường công tác phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện và TP. Thủ Đức, các trạm y tế xã phường, thị trấn đẩy mạnh hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tiêm chủng; tích cực rà soát trẻ sống trên địa bàn và tư vấn gia định đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi và các vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc điều trị, dịch truyền, thiết bị… phục vụ công tác thu dung điều trị người bệnh.
Đồng thời, giao các bệnh viện đang quản lý bệnh nhân rà soát tiền sử tiêm chủng đối với các bệnh nhân có bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý nền; tổ chức tiêm vắc xin tại bệnh viện cho những bệnh nhi có đủ điều kiện tiêm chủng và tư vấn tiêm chủng cho người nhà của những bệnh nhi không đủ điều kiện.
Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh Sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, các chuyên gia về Y tế công cộng của Thành phố.
Đối với bệnh Sốt xuất huyết, ngành Y tế tiếp tục giám sát tình hình mắc bệnh trên địa bàn, xử lý các ổ dịch nếu có theo quy định, triển khai hoạt động giám sát điểm nguy cơ tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Đối với các bệnh Tay chân miệng, ngành Y tế sẽ tiếp tục giám sát số liệu mắc bệnh, phối hợp ngành Giáo dục trong phòng chống dịch bệnh trong trường học, xử lý các ổ dịch nếu có theo quy định.