Trong khi một số nhóm mặt hàng giảm giá, 4 nhóm hàng lại tăng giá trong đó có nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống cho hay, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá.
Các nhóm hàng giảm giá so với tháng trước bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,38%); thực phẩm (giảm 0,71%); may mặc, mũ nón và giày dép (giảm 0,08%); nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,83%); thiết bị và đồ dùng gia đình (giảm 0,08%); văn hóa, >giải trí và du lịch (giảm 0,45%) và giáo dục (giảm 1,3%).
Bên cạnh nhóm hàng tăng giá là giao thông (tăng 0,43%); giá vàng tăng (2,04%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,35%) thì nhóm thuốc và >dịch vụ y tế (tăng 0,02%).
Chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế tháng tư tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nên người dân tập trung mua các loại >thuốc tăng cường hệ miễn dịch.
Trong đó, giá nhóm thuốc vitamin, khoáng chất tăng 0,33%; nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,19%; nhóm thuốc tim mạch tăng 0,11%; giá nhóm thuốc về đường tiêu hóa tăng 0,06%.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Cục Quản lý dược nêu rõ từ đầu tháng 4 đến nay số ca COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại; đồng thời mùa hè với thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều có thể gia tăng các ca bệnh hoặc chuyển thành dịch như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả...
Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Trong đó, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc, vắc xin cho phòng chống dịch COVID-19 và thuốc điều trị các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả..., các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Về phía các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc, Cục Quản lý dược yêu cầu tăng cường nguồn cung, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh để tăng giá thuốc.