Theo người nhà bệnh nhân, người phụ nữ đã uống rất nhiều thuốc dẫn đến nguy kịch.

My My (t/h) 17:46 16/02/2023

Theo bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) thông tin trên Báo VietNamNet cho hay, biết bệnh nhân là một phụ nữ tên P., 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng >tụt huyết áp nặng.

Bà P. có tiền căn tăng huyết áp độ 2, rối loạn chuyển hóa lipid máu và trầm cảm. Toa thuốc đang điều trị có 3 loại gồm thuốc hạ huyết áp và thuốc trầm cảm.

Theo người nhà, bà P. đã uống toàn bộ các thuốc trên, mỗi loại 28 viên. Khoảng 4 giờ sau, bà được phát hiện nằm bất động trên giường và được đưa đi cấp cứu.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh nhân tiếp xúc chậm, mạch 100 lần/phút, huyết áp 80/50mmHg, SpO2 92%, niêm hồng nhợt, chi ấm, mạch nhanh nhẹ. Bệnh nhân được chuyển đến Đơn vị hồi sức Tim mạch, Khoa Nội tim mạch - Lão học, chẩn đoán xác định tụt huyết áp do ngộ độc thuốc hạ huyết áp và tổn thương thận cấp.

Sau 80 giờ cấp cứu và hồi sức tích cực, bệnh nhân được cứu sống. Ảnh: VietNamNet

Các bác sĩ tiến hành lọc máu chậm liên tục với quả hấp phụ nhằm ổn định toan kiềm, loại bỏ độc chất. Đồng thời, sử dụng vận mạch, bù dịch, truyền insulin nồng độ cao, truyền đường, canxi liều cao tiêm tĩnh mạch chậm.

Sau 80 giờ cấp cứu và hồi sức tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được theo dõi tại khoa và điều trị tâm lý. Đến nay, người bệnh đã ổn định. Theo bác sĩ Được, đây không phải trường hợp đầu tiên được cứu sống do ngộ độc thuốc hạ huyết áp.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội tim mạch -Lão khoa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, amlodipin là một thuốc hạ huyết áp phổ biến, thường được kê toa với liều dùng từ 1-2 viên/ngày. Sử dụng liều cao amlodipin có thể gây ngộ độc với triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, choáng váng.

Trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân suy giảm nhanh dẫn đến trạng thái tinh thần thay đổi, hôn mê, sốc, tử vong. Bác sĩ Tuấn chia sẻ, người bệnh tim mạch rất dễ đối mặt với nguy cơ trầm cảm do đây là bệnh mạn tính, phải >uống thuốc suốt đời.

Theo Tuổi Trẻ trước đó, ngày 15-1, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết bệnh viện cứu kịp thời bé gái T.N.Q.N. (15 tuổi, ngụ quận Tân Bình) uống 28 viên thuốc chống trầm cảm amitryptyline, hàm lượng 25mg/viên.

Trước đó 3 ngày, khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận N. trong tình trạng li bì lơ mơ. Khai thác bệnh sử ghi nhận N. bị mẹ mắng vì ham chơi không lo học nên uống 28 viên thuốc chống trầm cảm amitryptyline.

Sau đó N. có biểu hiện lơ mơ, nói sảng, đỏ mặt. Người nhà phát hiện lập tức đưa em đến một bệnh viện tư sơ cứu và sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, N. được rửa dạ dày, uống than hoạt tính để thải và hấp thu các độc chất trong đường tiêu hoá. Bệnh nhi tiếp tục được truyền dịch và điều trị kiềm hóa máu, nước tiểu.

Sau 3 ngày điều trị, >sức khỏe em N. cải thiện dần, tỉnh táo, hết đỏ da và được bác sĩ tâm lý tư vấn.

Bác sĩ Tiến cho hay ngộ độc thuốc chống trầm cảm amitryptyline ở trẻ em biểu hiện rối loạn tri giác, lừ đừ, buồn ngủ, ảo giác, thất điều, hôn mê, co giật, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thất, khô miệng, đỏ da, co giật, sốt, đồng tử giãn, hạ huyết áp, suy hô hấp. Nếu trẻ không được cấp cứu, điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh hãy quan tâm nhiều hơn đến tâm tư tình cảm của trẻ vị thành niên con em mình. Tránh la mắng quá mức có thể đưa trẻ đến suy nghĩ thiếu chính chắn, dẫn đến hành động nguy hiểm cho bản thân.

 

 

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe