Việt Nam sẽ nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo Tuổi Trẻ, quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Căn cứ các quy định trên, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Thế nhưng, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, ngày 17/3 Chính phủ có nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch, chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, đảm bảo nguồn lực tài chính cho phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng...
Covid-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Theo nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, tùy thuộc vào tình hình dịch sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch.
Đồng thời áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh, áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng.
Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc thuộc nhóm B nhưng có khả năng lây truyền ở mức độ cao, theo quy mô và tính chất của từng loại bệnh truyền nhiễm sẽ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng trong vùng đang có dịch.
Như vậy nếu Covid-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, theo quy định phòng, chống dịch hiện hành sẽ không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B cần phải căn cứ vào tình hình dịch tễ, khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vắc xin), tỉ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới >sức khỏe và >đời sống xã hội…
Theo Dân Trí, cũng nêu quan điểm về sự việc, BS Trương Hữu Khanh - Cố vấn khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM bày tỏ quan điểm, cần sớm đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.
"Cần sớm đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A để phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện ổn định đời sống xã hội, cũng như phát triển kinh tế", BS Khanh cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, nếu Covid-19 được đưa về bệnh nhiễm nhóm B thì chúng ta sẽ đối phó với dịch bệnh này tương tự như với các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…
BS Khanh phân tích: "Khi đã đưa Covid-19 về bệnh truyền nhiễm nhóm B cũng sẽ giống như sốt xuất huyết hay tay chân miệng. Chúng ta biết ai thuộc đối tượng nguy cơ có thể chuyển nặng để tập trung điều trị sớm. Việc tiêm chủng vaccine vẫn được khuyến cáo nhưng sẽ trên tinh thần tự nguyện và nhu cầu của người dân".
Theo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời gian qua điều kiện để coi là bệnh dịch lưu hành (đặc hữu) còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là dịch ổn định, không biến động lớn về ca mắc, ca tử vong. Bên cạnh đó, miễn dịch cộng đồng đạt ở mức cao để ngăn chặn bùng phát dịch diện rộng, hệ số lây nhiễm trở về gần bằng 1.
Ngoài ra, hệ thống y tế có đủ năng lực để điều trị, cấp cứu người bệnh mà không bị quá tải. Một yếu tố quan trọng khác là tâm lý người dân đã ổn định, không lo sợ, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe đã được nâng cao.
Đối chiếu với các điều kiện đó, thì Việt Nam dịch vẫn đang tăng lên, tỉ lệ miễn dịch cộng đồng chưa đạt mức cao, hệ số lây nhiễm còn cao. Hệ thống y tế không quá tải, số ca tử vong đã ổn định, do đó Việt Nam đang trong quá trình chuyển sang bệnh lưu hành. Việt Nam có thể tự công bố mà không phụ thuộc vào quốc tế.
"Một số nước trên thế giới họ đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành, nhưng một số nước còn theo đuổi Zero Covid-19 như Trung Quốc"- PGS Nga nói.