Một bệnh nhân nam 30 tuổi sau một năm kết hôn nhưng không có con tới thăm khám. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết cách đây 5 năm từng mắc quai bị và có dấu hiệu đau tinh hoàn.
Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, mới đây, khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học Bệnh viện 19-8, Bộ Công an tiếp nhận một bệnh nhân nam 30 tuổi sau một năm kết hôn nhưng không có con tới thăm khám. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết cách đây 5 năm từng mắc quai bị và có dấu hiệu đau tinh hoàn. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không thăm khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa. Xét nghiệm tinh dịch đồ cho kết quả không có tinh trùng trong tinh dịch, nội tiết tố nam bị suy giảm và rối loạn. Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị vô tinh do> quai bị gây biến chứng viêm tinh hoàn đồng mắc thêm bệnh lý giãn tĩnh mạch tinh.
Đây chính là nguyên nhân khiến tinh hoàn của bệnh nhân bị hư hại nặng, không có tinh trùng gây rối loạn nội tiết nam. Thông thường tinh hoàn ở nam giới có kích thước to bằng hạt mít cho tới bằng quả trứng gà so. Tuy nhiên với nam bệnh nhân trên kích thước chỉ còn bằng hạt lạc.
ThS.Bs Nguyễn Trần Thành, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học Bệnh viện 19-8 chia sẻ: "Đây là ca bệnh rất đáng tiếc vì bệnh nhân đã không nhận thức được sự nguy hiểm bệnh quai bị nên không điều trị đúng chuyên khoa dẫn đến biến chứng gây tổn thương viêm teo tinh hoàn không hồi phục. Hơn nữa bệnh nhân lại bị thêm bệnh giãn tĩnh mạch càng khiến tinh hoàn tổn thương nặng nề hơn, dẫn đến rối loạn nặng nội tiết và không có tinh trùng trong tinh dịch, khả năng có con là rất khó khăn. Chúng tôi đã quyết định vi phẫu thuật thắt tĩnh mạch để phục hồi được phần nào đó chức năng tinh hoàn, và sinh thiết tinh hoàn làm mô bệnh học. Ca phẫu thuật đã tiến hành thuận lợi, cả ê-kip đều mong bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt với điều trị. Sau khi phẫu thuật chỉ cần có một vài con tinh trùng thôi, thì khả năng có con của 2 vợ chồng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều".
Dẫn tin từ VnExpress, Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm tinh hoàn là một trong các biến chứng do quai bị phổ biến ở nam giới. Ước tính có khoảng 1/3 nam giới gặp biến chứng này khi nhiễm virus quai bị ở tuổi trưởng thành.
"Viêm tinh hoàn do quai bị đứng đầu trong các nguyên nhân gây >vô sinh ở nam giới. Khoảng 50% trường hợp bị teo dần tinh hoàn, giảm tỷ lệ sinh tinh và gây vô sinh", bác sĩ Vỹ nói.
Tại Việt Nam, quai bị là bệnh phổ biến, thường gặp các mùa trong năm. Trẻ tuổi học đường dễ mắc bệnh, 20% - 30% ở nam giới trưởng thành. Tỷ lệ mắc quai bị dao động từ 10 - 40/100.000 dân. Tỷ lệ tử vong thường rất thấp, không vượt quá 1/100.000 dân.
BS.KI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết không phải nam giới nào bị viêm tinh hoàn do quai bị cũng sẽ vô sinh. Đồng thời, việc phát hiện và can thiệp kịp thời cũng giúp hạn chế nguy cơ vô sinh.
Hiện viêm tinh hoàn do quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo nam giới nên tiêm vaccine phòng bệnh quai bị sớm để tránh biến chứng. Trường hợp rất hiếm, người được tiêm vaccine có thể vẫn nhiễm bệnh nhưng bệnh thường nhẹ và không có biến chứng nguy hiểm.
Vaccine quai bị có thể được sử dụng sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, thường dùng dạng vaccine kết hợp sởi-quai bị - rubella. Các vaccine được chứng minh an toàn và có hiệu lực cao, bảo vệ đạt đến trẻ 95% và miễn dịch bảo vệ lâu dài.