Ngón tay của bệnh nhân bị sưng nề phải nhập viện sau khi nặn mụn.
Theo thông tin từ Dân Trí, 3 ngày từ khi tự >nặn> mụn ở ngón tay, nam thanh niên 20 tuổi, sống tại Tây Hồ (Hà Nội) bất ngờ xuất hiện tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau ở vị trí nặn.
Nghĩ rằng chỉ là bệnh vặt, anh này quyết định tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau đó một ngày, tình trạng của ngón tay lại diễn biến nặng hơn. Đáng nói, nam thanh niên bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt cao nên được đưa vào viện ngay trong đêm.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh được thăm khám, làm các xét nghiệm và được chẩn đoán bị viêm mô bào ở ngón tay.
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp chia sẻ: "Thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh, mệt mỏi, ngón tay sưng, tím đều và đau. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô bào ở ngón tay do nhiễm khuẩn trong quá trình nặn mụn".
Trước đó, cũng từng xảy ra nhiều trường hợp phải nhập viện khẩn chỉ vì nặn mụn. Dẫn tin từ VietNamNet, bệnh nhân 18 tuổi, ở Hà Nội vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu trong tình trạng chảy máu vùng lưng.
Bệnh nhân kể, nhiều năm nay thấy sau lưng có mụn màu đen tăng dần về kích thước, ban đầu em tưởng là nốt ruồi bình thường nên không để ý. Gần đây, thấy khối đó to hơn, gây đau, khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt, nghĩ là mụn nên bệnh nhân tìm cách nặn.
Không ngờ, sau khi nặn được vài phút, nam thanh niên thấy máu chảy dữ dội, “phun” thành tia, được người nhà kịp thời sơ cứu băng ép cầm máu sau đó chuyển ngay đến bệnh viện cấp cứu.
Sau thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện nằm ẩn phía dưới vết chảy máu ngoài da là một khối dị dạng mạch rất lớn. Búi thông động tĩnh mạch lan tỏa dưới da và trong cơ lưng với động mạch đi vào ổ dị dạng tách trực tiếp từ động mạch chủ ngực.
Do áp lực dòng chảy lớn nên phần nằm nông dưới da của ổ dị dạng to dần theo thời gian khiến bệnh nhân tưởng lầm là mụn. Khi dùng sức nặn, ổ dị dạng bị vỡ, tạo áp lực gây chảy máu không cầm.
Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút mạch để ngăn các nguồn cấp máu từ động mạch lớn.
Sau khi can thiệp nút mạch ổn định, bệnh nhân được phẫu thuật ổ dị dạng. Ca phẫu thuật do TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Phó khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ thực hiện.
“Với những ổ dị dạng động tĩnh mạch lớn và lan tỏa, bệnh nhân được can thiệp điều trị nút mạch giảm chảy máu sau đó việc phẫu thuật sẽ rất thuận lợi, có thể lấy bỏ hoàn toàn ổ dị dạng cho bệnh nhân”, TS Dung chia sẻ.