Con trai của người phụ nữ này đang học lớp 10, hoàn toàn khỏe mạnh, nặng hơn 85kg, cao hơn 1m8 có thói quen hay tắm muộn. Vào ngày xảy ra vụ việc, cậu bé đang trong tình trạng bị cảm cúm nhưng vẫn tắm đêm lúc cả nhà đã ngủ và sau đó chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Teo thông tin từ Tạp chí Người Đưa Tin, mới đây, mạng xã hội chia sẻ về việc một nam sinh lớp 10 bị tử vong khi tắm đêm. Cậu bé vốn khỏe mạnh, có chiều cao 1,8m, nặng hơn 85kg. Sau khi con trai qua đời, người mẹ đau đớn và tự dằn vặt bản thân vì đã không dứt khoát ngăn chặn, dù biết con có thói quen tắm đêm. "Mẹ luôn dằn vặt và tự trách mình khi mẹ vẫn biết con thỉnh thoảng hay tắm muộn nhưng mẹ đã không thật nghiêm khắc để ngăn chặn vấn đề này một cách dứt khoát. Ngày hôm ấy, khi đang cảm cúm mà con lại đi tắm khi đêm muộn lúc cả nhà đã đi ngủ. Và điều tồi tệ nhất đã đến với gia đình khi con đã ra đi mãi mãi, ra đi mà không thể nhắn nhủ được gì cho bố mẹ và em gái. Mất mát này làm sao mẹ có thể chịu được", mẹ của nam sinh chia sẻ.
Sau khi đọc những dòng trên, đa số mọi người bày tỏ sự cảm thông, gửi lời chia buồn tới gia đình nam sinh. Đồng thời, không ít người cũng thừa nhận rằng, bản thân có thói quen> tắm đêm mà không hề biết việc làm này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhận định về trường hợp này, theo Dân Trí, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, cho biết tỷ lệ xảy ra đột quỵ với một nam sinh mới 16 tuổi là rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Khả năng này tăng lên khi có các yếu tố nguy cơ.
Trước hết, theo BS Mạnh, bản thân việc tắm khi quá muộn đã là một thói quen không tốt với >sức khỏe.
"Do đêm khuya là khoảng thời gian cơ thể cần được nghỉ ngơi, nên tắm quá muộn gây xáo trộn nhịp sinh học nghỉ ngơi của cơ thể, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe", BS Mạnh cho hay.
Bên cạnh đó, BS Mạnh chỉ ra nguy cơ sốc nhiệt khi tắm quá nóng hoặc quá lạnh, nhất là trong tình trạng thời tiết cực đoan như hiện nay.
"Việc tắm nước quá lạnh sẽ làm giảm đột ngột nhiệt độ cơ thể, dẫn đến co mạnh các động mạch và tĩnh mạch, gây ra tăng áp lực lên hệ thống tim mạch. Điều này có thể tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở những người có tiền sử về vấn đề tim mạch.
Trong khi đó, việc tắm nước quá nóng cũng gây áp lực lên hệ thống tim mạch vì giãn mạch đột ngột.
Nếu nam sinh vừa trải qua việc học hành căng thẳng hoặc mới chơi thể thao xong và tắm ngay thì càng tăng nguy cơ gây ra rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, gây ra xuất huyết não, nhồi máu não do cục máu đông hình thành trong động mạch", BS Mạnh phân tích.
Một vấn đề làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ, đó là các bệnh lý tim mạch sẵn có hoặc bị dị dạng mạch máu não mà không được tầm soát.
Nhiều người trẻ khi chơi thể thao bị đột quỵ cũng xuất phát từ những vấn đề tiềm ẩn này.
Cũng theo chuyên gia này, theo thực tế ghi nhận, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ sau đại dịch Covid-19 cũng có xu hướng gia tăng.
Nếu trước kia một năm chỉ có 1-2 ca, thì hiện nay có tháng bác sĩ tiếp nhận 2-3 ca đột quỵ ở người trẻ.
Từ trường hợp này, BS Mạnh khuyến cáo, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Các dấu hiệu của đột quỵ là:
- Mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt.
- Mờ mắt.
- Méo, xệ mặt một bên.
- Tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia.
- Khó nói, nói ngọng.
Giai đoạn giờ "vàng" được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là 4-6 giờ.
"Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi gặp những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trong giai đoạn giờ "vàng". Cần lưu ý điều trị huyết áp cao đúng cách để hạn chế nguy cơ đột quỵ", BS Mạnh nói.