Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis).

My My (t/h) 17:09 25/01/2024

Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococcus suis, là một loại cầu khuẩn gram dương, có hình hạt đậu. Vi khuẩn này là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn). Liên cầu khuẩn lợn cư trú ở đường hô hấp trên (xoang mũi, hạch hạnh nhân), tuy nhiên, chúng cũng có thể cư trú ở đường sinh dục và đường tiêu hóa của lợn.

Liên cầu khuẩn lợn xuất hiện chủ yếu ở lợn nhà nhưng đôi khi vẫn tìm thấy ở lợn rừng, ngựa, chó, mèo, và chim. Ngoài ra, vi khuẩn này còn tồn tại ở trong rác, phân, nước. Liên cầu khuẩn lợn có 2 loại, loại I gây dịch bệnh lẻ tẻ ở những đàn lợn nhỏ đang bú sữa; loại II gây bệnh ở lợn mọi lứa tuổi, và có thể lây nhiễm cho người.

Bệnh nhân nhiễm bệnh không qua khỏi. Ảnh: Hà Nội Mới

Báo Hà Nội Mới cho biết, ba ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện rồi chuyển tới Bệnh viên Đa khoa tỉnh Nam Định.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân >sốc nhiễm khuẩn, theo dõi do >liên cầu lợn (Streptococcus suis), được chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện tiếp nhận bệnh trong tình trạng thở oxy, đồng tử 2 bên giãn, mạch bẹn không bắt được, huyết áp không đo được, toàn thân nổi vân tím, ban xuất huyết hoại tử vùng mặt, tay và chân. Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim có đập trở lại. Tuy nhiên, sau hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân tử vong cùng ngày.

Theo Báo Kinh tế đô thị, đã có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh không qua khỏi. Theo CDC Hà Nội, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.

Cẩn trọng với bệnh tình. Ảnh: Kinh tế đô thị 

Ăn các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín, như: Tiết canh, nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu Streptococcus suis có thể sống ở nhiệt độ 60 độ C trong 10 phút, 50 độ C trong 2 giờ và 10 độ C trong 6 tuần.

CDC Hà Nội khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

 

 

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe