Xoắn khuẩn Leptospira là nguyên nhân gây bệnh Leptospirosis (bệnh xoắn khuẩn vàng da) thường ký sinh trên gia súc, gia cầm và nguồn nước ô nhiễm thường lây nhiễm cho người qua tổn thương niêm mạc.

Tuệ Anh (TH) 10:23 31/10/2023

Theo thông tin từ VietNamNet, trường hợp bệnh nhi N.B.T.C (6 tuổi, trú tại Bình Định) sốt cao 8 ngày liên tục, đau họng, tiêu phân lỏng kèm khó thở.

Tại bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, được điều trị tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nặng dần, trẻ suy hô hấp, tràn khí màng phổi, trung thất, tổn thương đa cơ quan, phải đặt nội khí quản và liện hệ chuyển vào TP.HCM.

Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trẻ được chuyển trên quãng đường hơn 600km từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định vào TP.HCM với hy vọng còn nước còn tát.

Thời điểm nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trẻ mê, suy hô hấp nặng, tràn khí dưới da, vàng da niêm sậm kèm xuất huyết da niêm rải rác. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực bằng thở máy, kháng sinh, chăm sóc >dinh dưỡng nhưng em C.  không cải thiện, tổn thương gan thận nặng.

Bé C. sốt cao liên tục 8 ngày, suy hô hấp. Khi chuyển vào TP.HCM, trẻ suy gan thận rất nặng - Ảnh: VietNamNet

Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Chống độc để thở máy, lọc máu liên tục và thay huyết tương nhiều đợt, dùng kháng sinh mạnh. Các bác sĩ cũng chỉ định các xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Kết quả cho thấy bệnh nhi C. bị nhiễm trùng huyết do xoắn khuẩn >Leptospira (xoắn khuẩn vàng da) gây tổn thương gan thận nặng, nguy cơ tử vong. Trải qua hơn 2 tuần điều trị tích cực, trẻ đã cải thiện ngoạn mục, chức năng gan thận và hô hấp hồi phục. Sau khi ngưng thay huyết tương, lọc máu, cai máy thở, bé hết sốt, tỉnh táo và chuyển về Khoa Nhiễm tiếp tục theo dõi.

Dãn tin từ VTV, ThS.BS Đỗ Văn Tùng - Phó Trưởng Khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu cho biết: Xoắn khuẩn Leptospira là nguyên nhân gây bệnh Leptospirosis (bệnh xoắn khuẩn vàng da) thường ký sinh trên gia súc, gia cầm và nguồn nước ô nhiễm thường lây nhiễm cho người qua tổn thương niêm mạc. Khi sống trong cơ thể người, ở giai đoạn đầu người bệnh có biểu hiện sốt, đau cơ, mệt mỏi, ho, chảy nước mũi. Đến giai đoạn nặng hơn (từ ngày thứ 6) nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận, viêm phổi và viêm màng não.

Khuẩn Leptospira - Ảnh: VinMec

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần quản lý vật nuôi, tránh thải nước tiểu, phân trực tiếp ra ao hồ gây ô nhiễm nước, tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, giám sát bệnh ở vật nuôi. Sử dụng bảo hộ lao động đối với người nguy cơ cao như đi găng, đi ủng, đeo kính bơi…Không tắm ở ao hồ, sông, suối. Tiêm phòng vaccin phòng bệnh Leptospira, dùng kháng sinh dự phòng đúng chỉ định cho những người nghi ngờ nhiễm bệnh khi có dịch.

Tuệ Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe