Sau 1 tuần tự điều trị và sử dụng thuốc đông y không đúng chỉ định, bàn chân của bệnh nhân bị bỏng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên tổn thương bàn chân không thể cứu vãn, chân của bệnh nhân dần tím đen, bị hoại tử khiến các bác sĩ phải chỉ định tháo bỏ các ngón của bàn chân trái.
Theo thông tin báo Sức khỏe và Đời sống, dẫn từ tin Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn B. Bệnh nhân bị bị tê chân không rõ nguyên nhân, sau đó theo hướng dẫn truyền miệng, bệnh nhân đã sử dụng >thuốc đông y thành phần gồm trầu không, địa liền, gừng và bó lại làm nóng để quấn vào bàn chân tự chữa bệnh dẫn đến bị bỏng.
Sau khi bị bỏng, bệnh nhân ngâm nước mát và tự thay băng tại nhà, sau 1 tuần không khỏi, tổn thương bỏng tiến triển nặng hơn nên bệnh nhân vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác điều trị ngày 13/3/2023.
Khoa Điều trị Bỏng Người lớn tiếp nhận và điều trị bệnh nhân B. trong tình trạng tỉnh, chẩn đoán bỏng diện tích 20cm2 độ V các ngón bàn chân trái. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chỉ định thay băng hằng ngày, dùng kháng sinh, cắt lọc hoại tử bàn chân, kiểm tra tổn thương cho thấy do đắp thuốc đông y dẫn tới hoại tử khô quắt lan rộng đến các ngón chân còn lại. Sau 8 ngày theo dõi, các ngón chân bị hoại tử hết không còn khả năng bảo tồn, nên bác sĩ chỉ định tháo bỏ các ngón bàn chân trái. Trong quá trình điều trị người bệnh đã được điều trị tích cực, sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, thay băng, phẫu thuật và chăm sóc vết thương hằng ngày. Quá trình điều trị bệnh nhân này sẽ còn khó khăn và lâu dài.
Ðó chỉ là trường hợp có tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nên hễ nghe thông tin, quảng cáo, giới thiệu ở đâu chữa khỏi bệnh là tìm hoặc mua thuốc về uống mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc. Những loại thuốc này được cam kết điều trị khỏi mọi bệnh từ tiêu hóa, xương khớp đến các bệnh mãn tính.
Theo thông tin báo Đại Đoàn Kết, ở nước ta trường hợp bệnh nhân thường dùng thuốc không kê đơn, dùng nhiều loại thuốc và dùng các thuốc đông y, dân gian đang ở mức báo động. Những loại thuốc này không rõ thành phần làm cho việc xác định thuốc gây dị ứng gặp khó khăn. Mặt khác, thời gian từ khi dùng thuốc tới khi khởi phát có thể kéo dài từ vài ngày tới 2 tháng. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ các thuốc họ đã dùng.
Ðáng nói là những loại thuốc này được quảng cáo, chào bán rộng rãi dưới hình thức bài viết, hình ảnh hoặc video được xây dựng rất bài bản với một công thức chung là: Thuốc gia truyền ba đời; cam kết khỏi bệnh 100%; không gây tác dụng phụ; hoàn tiền 100% nếu không khỏi bệnh… Người bệnh khi có nhu cầu thì không cần đến tận nơi thăm khám, mà chỉ cần gọi điện sẽ được tư vấn và bốc thuốc qua lời kể về các triệu chứng. Chính những lời quảng cáo như "rót mật vào tai" cùng với sự tận tình hỏi han của người bán và các phản hồi tích cực từ những khách hàng sử dụng thuốc được đính kèm trên mỗi quảng cáo đã tạo niềm tin cho người bệnh khiến họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua những sản phẩm thuốc không biết là thật hay giả.
Trước tình trạng này, thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ >sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.