Khi con được đưa đến bệnh viện, người mẹ đưa con đến phòng trực mấy lần nhưng không được hỗ trợ chu đáo. Nhân viên y tế vô cảm cười đùa khiến chị tăng nỗi đau mất con.
Theo thông tin từ Báo VnExpress, mới đây, tại bệnh viện Sản - Nhi >Kiên Giang, mẹ của bệnh nhi không may qua đời cho rằng bệnh viện chậm xử trí cấp cứu, nhân viên y tế vô cảm cười đùa khiến chị tăng nỗi đau mất con.
Tại cuộc họp, bác sĩ Danh Tý, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang, cho biết hôm xảy ra vụ việc lượng bệnh nhi đông (70 ca), ba nhân viên y tế và hai bác sĩ trực xử trí kịp thời. Tuy nhiên, do kíp trực thức đêm, có thời điểm một vài người còn lơ là, chưa tích cực phục vụ bệnh nhân.
Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu kíp trực nghiêm túc rút kinh nghiệm, điều chuyển nhân viên có biểu hiện lơ là sang công việc phù hợp hơn.
Bé nhập viện hôm 28/6, sau hai ngày điều trị tay chân miệng ở phòng khám tư. Khi ấy, bé bệnh ngày thứ 3, tỉnh, môi hồng, sốt cao, giật mình lúc ngủ, ê kíp trực chẩn đoán tay chân miệng độ 2A, theo dõi viêm họng bội nhiễm.
Hôm sau, bé được chỉ định dùng kháng sinh Claminat, thuốc an thần Phenobarbital, chăm sóc cấp độ 3. Bé vẫn sốt cao, nổi vân tím, chuyển hồi sức cấp cứu nhi, thở oxy 3 lít/phút, tiên lượng rất nặng. Tối cùng ngày, bé li bì, được đặt nội khí quản, thở máy song bệnh diễn tiến nặng nhanh không đáp ứng điều trị. Sau 10 giờ hồi sức tích cực, bé tử vong, chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, biến chứng trụy tim mạch.
Người mẹ bức xúc, cho rằng kíp trực không khẩn trương chuyển bé sang hồi sức cấp cứu khi có dấu hiệu chuyển biến nặng vào tối nhập viện.
"Tôi đưa con đến phòng trực mấy lần nhưng chị nhân viên không thèm nhìn mặt con tôi, cứ nói tay chân miệng sốt 4-5 ngày như vậy đó", người mẹ cho biết thêm trên VnExpress rằng khi con qua đời, những nhân viên y tế này còn cười nói, đùa giỡn khiến chị thêm đau buồn.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, cuối tháng 1/2023, Bộ Y tế từng đề nghị làm rõ phản ánh ‘người nhà tố bệnh viện tắc trách khiến cháu bé nghi hóc hạt bí tử vong’. Theo đó, cháu T.Đ.L. (3 tuổi) đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cấp cứu ngày 26/1 trong tình trạng ho, khó thở (nghi mắc hạt bí), và tử vong ngày 27/1 nghi do tắc trách và sai sót chuyên môn của ca trực đêm.
Về tình hình dịch bệnh hiện nay, theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, tháng 7 này là cao điểm của bệnh tay chân miệng, đồng thời tháng 7-8 cũng thường là dịch sốt xuất huyết Dengue tăng do mưa nhiều. Cả hai dịch bệnh này đều tăng sẽ gây quá tải hệ thống y tế. PGS Phạm Văn Quang khuyến cáo phụ huynh cần chú ý là bệnh tay chân miệng đang vào mùa và tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của EV71 - tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.
Khi bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán.
Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Với bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh phải nghĩ đến bệnh này khi trẻ bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết...), đau bụng, nôn ói nhiều. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.