Bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu tuy nhiên không qua khỏi. Các bác sĩ chẩn đoán đột tử chưa rõ nguyên nhân.
Theo Ông Thạch Thuận, chú ruột của bé thông tin trên Báo VnExpress cho biết, cháu ông thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo. Lần này trong số cua cá bé bắt được có trứng cá lau kiếng màu vàng, từng chùm, tìm thấy trong hang cá. Đây là trứng đã được cá đẻ ra, bám vào hang. Ông Thuận cùng nhiều người trong xóm từng ăn loại trứng này nhưng không >ngộ độc.
Bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu chiều 12/7, trong tình trạng ngưng thở, tím tái toàn thân, mạch không bắt được. Bác sĩ hồi sức tích cực nhưng không thể cứu được bé, chẩn đoán đột tử chưa rõ nguyên nhân.
Công an và ngành y tế đang điều tra nguyên nhân bé tử vong.
Khu vực bé bắt được trứng cá là ao bị bỏ hoang nhiều năm, ruộng lúa đã qua giai đoạn dùng thuốc bảo vệ thực vật, theo ông Danh Giỏi, Trưởng ấp Thạch Bình, xã Thạnh Lộc.
Ngày 13/7, bác sĩ Bùi Ngọc Thành, Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, cho hay bệnh viện chưa từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc do cá hay trứng cá lau kiếng. Theo kinh nghiệm thực tiễn, ông ghi nhận trứng cá nóc và mật cá trắm có độc nhưng bệnh nhân không thể diễn tiến tử vong trong vài giờ. "Không loại trừ khả năng bé ăn phải trứng cá bị nhiễm độc từ môi trường bên ngoài", bác sĩ Thành thông tin trên VnExpress.
Theo Báo Thời đại Plus, cá lau kiếng là loài cá nhiệt đới da trơn có tên khoa học là Hypostomus plecostomus, thuộc họ Loricariidae. Ở nước ngoài thường gọi vui chúng là suckermouth catfish do hình dạng bên ngoài của chúng, còn ở nước ta thường gọi cá lau kính là cá dọn bể do chúng hay làm sạch bể nước và ăn các thức ăn thừa như tảo, rêu xanh,...
Cá lau kiếng là giống cá vốn được nhập khẩu từ Nam Mỹ từ những năm 80, sau đó đã được nhân giống và phát triển trong nước ở giai đoạn thập niên 90. Dần dần trải qua nhiều năm mà cá tỳ bà đã trở nên phổ biến và được giới chơi cá cảnh biết đến nhiều hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Kiêm Sơn thuộc Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật từng thông tin trên Thời đại Plus cho biết, cá lau kiếng có cấu tạo cơ thể chủ yếu là xương và vỏ cứng, vây cá và lớp vỏ ngoài khá sắc nhọn cho nên rất khó để chế biến chúng thành thức ăn. Ngoài ra, lượng dưỡng chất trong thịt của chúng lại vô cùng hạn chế và nghèo nàn, không phù hợp để làm thức ăn bổ sung >dinh dưỡng cho con người.
Những loại cá có độc cần lưu ý
Theo Dân Việt, bạn cần lưu ý những loài cá sau đây cực ngon nhưng có độc chết người.
- Loài cá nóc
Cá nóc có chứa tetrodotoxin (C11H17O8N3), chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao. Đặc biệt, tetrodotoxin tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. Loài cá cực ngon này lại chứa chất kịch độc này có thể gây tử vong nếu chế biến sai cách.
Thịt cá nóc được biết đến là khá độc nhưng nhiều người vẫn không cưỡng lại được hương vị hấp dẫn trong thịt loài cá này. Được biết, nội tạng của loài cá nóc là phần chứa độc tố khiến người ăn choáng váng, ngứa, nặng hơn là tê liệt cơ bắp, hôn mê và tử vong
Máu, mắt, buồng trứng, gan, bộ phận sinh dục, da cá nóc là những bộ phận có chứa loại chất độc này. Mặc dù thịt không độc, nhưng khi cá chết, ươn hoặc va đập, chất độc từ các bộ phận trên sẽ ngấm vào cơ gây độc toàn bộ.
- Loài cá bống vân mây
Một trong những loại cá chứa chất kịch độc khác là cá bống vân mây. Ở nước ta, cá bống vân mây tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung. Theo các nhà khoa học, trong cá bống vân mây có độc tố tetrodotoxin, tương tự như độc tố của cá nóc.
Theo Cục An toàn thực phẩm những loài hải sản độc này có thể gây hại cho con người theo hai cách chính: qua đường tiêu hoá do các món ăn chế biến từ cá và hải sản và qua phản ứng tự vệ của con vật khi ta vô tình chạm vào chúng, bị chúng căn, chích hoặc phóng tên độc.
- Mật cá trắm
Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong.
Thịt cá trắm ngon và bổ dưỡng được nhiều bà nội trợ chọn mua chế biến cho bữa ăn gia đình. Thế nhưng, mật cá trắm rất độc bởi có chứa alcool gây xuất huyết, tổn thương nội tạng, đặc biệt là ống thận. Cá có trọng lượng càng lớn, chất độc càng cao.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay... dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới >sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
- Cá kiếm
Cá kiếm là một loài cá biển có chứa hàm lượng thủy ngân cao, nếu lạm dụng việc ăn cá kiếm quá nhiều sẽ tăng nguy cơ nhiễm độc metyl thủy ngân.
Một con cá kiếm có chứa khoảng 976 ppm (phần triệu) thủy ngân. Hàm lượng này có thể gây ngộ độc cho người ăn. Lưu ý phụ nữ mang thai và phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai không nên tiêu thụ quá 200g cá kiếm trong một tháng.