Thời gian gần đây khi dịch bệnh gia tăng, nhiều người mua sẵn thuốc để phòng và trị bệnh. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng thuốc có thể dẫn đến những sai lầm.
Ghi nhận tình trạng COVID-19 vào ngày 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, song cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.
WHO cũng đưa ra những khuyến cáo đối với các quốc gia trong việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh để chuyển sang cách quản lý COVID-19 bền vững.
Theo các chuyên gia, hiện các ca COVID-19 là người cao tuổi không xác định chính xác nguồn lây. Tuy nhiên, khả năng cao là người bệnh có thể tiếp xúc với mầm bệnh từ các thành viên trong gia đình.
Các thành viên gia đình có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh lúc đi làm, đi học nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ nghĩ là cảm, sốt, sổ mũi thông thường.
Đồng thời do đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng mắc bệnh nên cơ thể có kháng thể cao, nhiễm bệnh nhưng thể bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng và lại làm lây tiếp sang nhóm dễ biến chứng trong gia đình.
Bởi vậy, để bảo vệ cho người có bệnh nền, cao tuổi cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ khuyến cáo 2K của Bộ Y tế và tiêm vắc xin đủ mũi, đúng lịch.
Khi có triệu chứng hô hấp (sốt, ho, sổ mũi...) nên test nhanh để tầm soát và biết tự cách ly với mọi người, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, chị Trần Ánh T. (Hà Nội) do lo lắng mắc COVID-19 lần 2 mà đã tìm mua thuốc kháng virus của Nga về uống dự phòng. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Huy Hoàng việc tự ý sử dụng thuốc kháng virus của Nga để dự phòng COVID-19 là sai lầm nghiêm trọng. Bởi thuốc kháng virus cũng chỉ có tác dụng trong 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Trên thực tế, các thuốc kháng virus Nga, có loại có tác dụng và có loại cũng không tác dụng gì trong việc ngăn sự nhân lên của virus SARS-CoV- 2. Hiện tại, thuốc kháng virus molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép cũng phải được sử dụng đúng đối tượng và thời gian.
Việc dùng thuốc kháng virus cũng chỉ sử dụng trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Các thuốc này cũng có nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ và phải được giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh các rủi ro đáng tiếc. Chỉ dùng các thuốc kháng virus này khi có chỉ định của bác sĩ.
Việc uống thuốc kháng virus Nga để dự phòng không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà có thể gây những ảnh hưởng đến >sức khỏe.
BS. Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh trên Báo Sức khỏe và Đời sống, tuyệt đối không tự ý tìm mua, dùng thuốc dự phòng COVID-19 theo mách bảo. Ngoài việc không tác dụng, tốn tiền... thì việc tự ý sử dụng cúm Nhật hay thuốc kháng virus Nga để dự phòng lây nhiễm COVID-19 còn khiến gan, thận bị quá tải, và xuất hiện tâm lý chủ quan, từ đó lơ là các biện pháp phòng chống khác.
Người dân không nên hoang mang khi số ca COVID-19 gia tăng hiện nay. Mỗi người nên duy trì nguyên tắc đeo khẩu trang nơi công cộng và thường xuyên khử khuẩn tay.
Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, người dân không nên tích trữ, tùy tiện sử dụng những loại thuốc trôi nổi mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Khi thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh nên thông báo cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Có thể dự phòng bằng tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng COVID-19, thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế kết hợp với chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý.