Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp.

Lam Lam (t/h) 15:50 04/07/2023

Thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, theo Bộ Y tế, mục đích ban hành Thông tư Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế; hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật;

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT. Ảnh: Internet

Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư khung giá >khám chữa bệnh theo yêu cầu không ảnh hưởng đến người có thẻ >BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bên cạnh đó góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.

Theo Bộ Y tế, Thông tư quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước cung cấp theo phương pháp xây dựng giá quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; quy định thẩm quyền phê duyệt giá cụ thể đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế trên cở sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.

Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có).

Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT. Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỉ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỉ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.

Người có BHYT lưu ý gì khi đi khám bệnh năm 2023?

Theo quy định tại Điều 23, Luật BHYT 2008 (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 16, Điều 1, Luật BHYT 2014) có 12 trường hợp không được hưởng BHYT dù đi KCB đúng tuyến.

Các trường hợp không được hưởng BHYT dù đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đúng tuyến gồm:

1. Chi phí trong trường hợp khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh; Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên...mà đã được ngân sách nhà nước chi trả (tại khoản 1 Điều 21 Luật BHYT).

2. Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.

3. Khám >sức khỏe.

Lưu ý 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT. Ảnh: Internet

4. Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

5. Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

6. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.

7. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.

8. Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

9. Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

10. Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.

11. Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

12. Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

Như vậy, người có thẻ BHYT khi đi KCB nếu thuộc một trong các trường hợp kể trên thì không được hưởng BHYT.

 

Lam Lam (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe