Hiện Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã lấy mẫu lần 2 và tiếp tục gửi đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân khiến 2 cháu bé bị nguy kịch sau khi ăn bim bim và mì cay.
Theo thông tin từ báo Giao Thông, ngày 20/1, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết, vừa nhận kết quả xét nghiệm mẫu máu và nước tiểu của 2 cháu bé đang điều trị sau khi ăn bim bim và mì cay.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm không phát hiện độc chất của một số loại thuốc chuột trong cơ thể các cháu; xét nghiệm dương tính với morphin nhưng không có ý nghĩa vì trước khi lấy mẫu các cháu đã được bác sĩ cho sử dụng morphin.
Hiện Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã lấy mẫu lần 2 và tiếp tục gửi đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân khiến 2 cháu bé bị nguy kịch sau khi ăn bim bim và mì cay.
Tính đến thời điểm hiện tại,> sức khoẻ của 2 cháu bé đều có tiến triển tốt. Trong đó, cháu C.V.T (10 tuổi, ngụ thôn Bích Phương, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã tỉnh sau 6 ngày hôn mê, đã dừng lọc máu và cai thở máy.
Còn cháu Đ.T.C (4 tuổi, cùng ngụ thôn Bích Phương, xã Xuân Sinh) chưa tỉnh, tuy nhiên gọi hỏi đã có phản xạ và đang phải tiếp tục lọc máu.
Trước đó, dẫn tin từ Thanh Niên, khoảng 16 giờ ngày 14/1, 2 cháu C.V.T. và Đ.T.C. cùng 2 cháu bé khác (đều ngụ thôn Bích Phương) mua 1 gói bim bim khoai tây, 1 gói mì cay "vòi rồng" ở một tiệm tạp hóa trên địa bàn thôn Bích Phương rồi chia nhau ăn.
Sau khi ăn xong, đến khoảng 17 giờ cùng ngày, C.V.T. và Đ.T.C. có triệu chứng co giật và nhiều triệu chứng bất thường khác nên gia đình đã đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa H.Thọ Xuân cấp cứu. Do tình trạng ngày càng nặng nên khoảng 20 giờ ngày 14/1, Bệnh viện đa khoa H.Thọ Xuân chuyển các cháu đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp tục cấp cứu.
Khi đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, các nạn nhân đều trong tình trạng ý thức hôn mê, da tái, thở yếu, thở ức chế, tăng trương lực cơ toàn thân, nhịp tim rối loạn, huyết áp hạ và dao động.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chẩn đoán cả 2 bệnh nhi bị hôn mê, hội chứng não cấp, rối loạn nhịp tim nặng và tiến hành theo dõi >ngộ độc không rõ loại (định hướng đến thuốc diệt chuột thành phần Natrifloacetat).
Từ ngày 14 - 19/1, các bệnh nhi đã được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, điều trị bằng phác đồ xử trí ngộ độc cấp, như: rửa dạ dày loại bỏ độc chất, uống than hoạt hạn chế hấp thu, truyền dịch thải độc, lọc máu, thở máy, trợ tim, cấp cứu ngừng tim và rối loạn nhịp tim.