Hình ảnh u thuỳ trên phổi trái, kích thước 30x32mm (vòng tròn màu đỏ), vài nốt mờ rải rác màng phổi 2 bên, hạch trung thất trên hình ảnh chụp cắt lớp của bệnh nhân
Có biểu hiện >ho khan và đau tức ngực trái khoảng 1 tháng, người bệnh vào viện thăm khám thì phát hiện bị ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não.
Bệnh nhân là H.V.H., 43 tuổi, vào BV Bạch Mai thăm khám vì ho khan, đau tức ngực. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, đau ngực trái, không đau đầu, không co giật, không liệt vận động; ho khan ít, không khó thở; phổi không rale, thông khí đều 2 bên, không sờ thấy hạch ngoại vi, mạch 80 lần/phút, huyết áp 130/80mmHg.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, trước thời điểm nhập viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị ho khan và đau tức ngực trái, đi khám chụp CT ngực phát hiện khối u thuỳ trên phổi trái nên đã nhập viện để chẩn đoán và điều trị.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành chụp cắt lớp vi tính ổ bụng không thấy tổn thương di căn. Làm mô bệnh học phát hiện ung thư biểu mô tuyến. Sinh học phân tử phát hiện đột biến xoá đoạn trên Exon 19, không có đột biến T790M, không rõ tình trạng bộc lộ PD-L1. Đồng thời tiến hành chụp cộng hưởng từ sọ não và cắt lớp vi tính ngực.
Qua chuẩn đoán ban đầu xác định bệnh nhân bị ung thư phổi trái, dạng biểu mô tuyến di căn não. Bệnh nhân được chỉ định điều trị với thuốc điều trị đích thế hệ thứ 2 là Afatinib 40mg/ngày.
Sau 9 tháng điều trị, tình trạng người bệnh tỉnh, không còn ho, không đau ngực, không khó thở, hoạt động bình thường. Đáp ứng khách quan: Chất chỉ điểm khối u giảm: CEA: 3,39 ng/ml, Cyfra 21=1,84 U/L; Các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường. U phổi giảm kích thước, hạch trung thất không còn, tổn thương di căn não đơn ổ biến mất, chất chỉ điểm khối u CEA, Cyfra 21-1 giảm về giới hạn bình thường. Bệnh nhân không gặp tác dụng phụ đáng kể nào trong quá trình điều trị. Người bệnh dung nạp thuốc tốt, bệnh đáp ứng một phần.
Theo các bác sĩ, ung thư phổi là bệnh lý ác tính rất phổ biến đứng thứ 2 về số ca mắc mới và là bệnh ung thư có tỉ lệ di căn não cao nhất hiện nay. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ đột biến gen EGFR có tần suất di căn não cao hơn từ 1,6-2,4 lần bệnh nhân không có đột biến.
Thuốc ức chế enzym tyrosine kinases thế hệ thứ 2 Afatinib giúp cải thiện tỷ lệ đáp ứng khách quan và kiểm soát bệnh trên bệnh nhân ung thư phổi di căn não vượt trội hơn so với hóa trị trong nghiên cứu Lux-lung 3. Thời gian sống thêm bệnh không tiến triển (PFS) cũng được cải thiện đáng kể so với hóa trị trong phân tích gộp 2 nghiên cứu Lux-lung 3 và 6, giảm 50% nguy cơ bệnh tiến triển.
Với trường hợp của bệnh nhân H., hướng điều trị tiếp theo là tiếp tục điều trị Afatinib 40mg/ngày cho đến khi bệnh tiến triển hoặc không dung nạp được. Sẽ đánh giá đáp ứng thuốc sau 3 tháng một hoặc khi có bất thường tiến triển bệnh.