Bác sĩ khuyến cáo những trẻ có tiền sử mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc với người mắc Covid-19, sống trong vùng dịch, cha mẹ cần lưu ý các biểu hiện đau bụng và nôn.

TiNi (TH) 08:26 09/05/2022

Không phải trẻ em hay người lớn nào bị mắc COVID-19 cũng sẽ có các triệu chứng hậu COVID-19. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, phụ huynh không nên chủ quan hay lơ là với các triệu chứng của con để tránh hậu quả nguy hiểm.

Khi nào trẻ cần đi khám hậu Covid-19?

Theo thông tin của báo Sức khỏe và Đời sống, khi những trẻ nhiễm COVID-19 không nặng, đã phục hồi nhưng còn các triệu chứng của COVID-19 kéo dài dai dẳng quá 4 tuần lễ kể từ ngày nhiễm. Hoặc 4 tuần sau nhiễm COVID-19 lại xuất hiện thêm các triệu chứng mới. Chẳng hạn:

Biểu hiện hô hấp: Ho kéo dài quá 4 tuần, đau tức ngực, khó thở khi gắng sức. Trẻ trên 6 tuổi mà có các triệu chứng này kéo dài cần đo chức năng hô hấp. Trẻ em khó thở khi gắng sức kéo dài không hết cần kiểm tra tim để loại trừ cục máu đông.

Biểu hiện tim mạch: Đau ngực, khó thở khi gắng sức, nhịp tim không đều, mệt mỏi. Trẻ em trên 6 tuổi hoặc thiếu niên nếu các dấu hiệu này dai dẳng mức độ trung bình, nặng thì cần kiểm tra kỹ tim trước khi cho trẻ đi học hoặc tham gia các hoạt động thể thao trở lại.

Rối loạn mùi vị: Trẻ lớn có thể than phiền, trẻ nhỏ thường biểu hiện chán ăn, ăn kém kéo dài kể cả sau khi phục hồi COVID-19 quá 4 tuần cũng nên đi kiểm tra.

- Tâm thần kinh: Trẻ có biểu hiện như rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, giảm khả năng tập trung chú ý, học hành sa sút, tâm trạng tính tình thay đổi.

Chứng sương mù não: Trẻ có thể trở nên đãng trí, khó tập trung, đọc chậm hơn và hay ngắt quãng so với trước…

Mệt mỏi thể chất: Trẻ dễ mệt hơn khi hoạt động thể chất, kém hơn so với trước khi bị bệnh. Do đó hạn chế các hoạt động thể lực. Thậm chí dẫu không có vấn đề gì về tim phổi, trẻ vẫn có thể dễ mệt mỏi.

Nhức đầu: Đây là triệu chứng khá phổ biến, nếu tình trạng kéo dài quá 4 tuần, không giảm hoặc đau đầu mức độ nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ cần cho con đi khám.

Tâm lý: Trẻ thay đổi tính cách, có biểu hiện trầm cảm, lo âu.

Biểu hiện của đái tháo đường: Tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều, đói nhiều và sụt cân, mệt mỏi.

Hội chứng viêm đa cơ quan: Trong vòng 2 tháng nếu trẻ khởi phát một đợt sốt quá 3 ngày không giảm kèm theo một loạt các triệu chứng ở các cơ quan khác như: Đỏ mắt, phát ban, môi - lưỡi đỏ, đau bụng - ói - tiêu chảy, ho - sổ mũi… thì cần nghĩ đến hội chứng này để cho con khám ngay lập tức.

Phụ huynh cần theo dõi tình trạng sức khỏe của con sau nhiễm COVID-19 để đưa bé đi khám - Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Theo thông tin của Zingnews, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) hướng dẫn, những trẻ có tiền sử mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc với người mắc Covid-19, sống trong vùng dịch, cha mẹ cần lưu ý các biểu hiện đau bụng và nôn.

Kết quả từ các nghiên cứu trên thế giới cho thấy 30-40% trẻ em mắc Covid-19 có biểu hiện triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau thời điểm mắc Covid-19 khoảng 4-6 tuần, 10% trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn.

Khi có biểu hiện này, trẻ cần được đi khám vì đó có thể là dấu hiệu viêm ruột thừa, lồng ruột, viêm tuỵ cấp, tràn dịch ổ bụng. Ngoài ra, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các cơ quan trong cơ thể khác nhau (trên 2 cơ quan) có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Cách xử trí khi trẻ bị đau bụng, nôn tại nhà:

- Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

- Cho trẻ uống nước đủ để tránh bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol). Có nhiều chế phẩm (viên, gói bột) để pha dung dịch Oresol, cha mẹ cần pha đúng theo hướng dẫn. Cha mẹ không cho trẻ uống một lúc quá nhiều mà nên kiên nhẫn cho bé uống từ từ từng ngụm nhỏ, 50-100 ml Oresol sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy.

- Không tự sử dụng thuốc cầm nôn và tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy là hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hóa của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy hơi, chướng bụng, và kéo dài thời gian bị bệnh.

- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh, ăn trở lại bình thường và nhiều hơn khi hồi phục. Nếu không nôn trớ 12-24 giờ, trẻ có thể ăn uống lại bình thường nhưng vẫn cần uống nhiều nước.

TiNi (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe