Sau khi xin gia đình về nhà lo hậu sự, cụ ông đã bất ngờ "sống lại" nhờ kỹ thuật hồi sức thần kinh hạ thân nhiệt chỉ huy.

My My (t/h) 06:52 25/05/2023

THeo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, trước đó, cụ ông 77 tuổi được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và đã được đặt stent mạch vành. Trong quá trình đặt stent, người bệnh xuất hiện ngừng tim và được >cấp cứu ngừng tuần hoàn trong 2 giờ.

Gia đình cụ N.Đ.N đã thống nhất, xin cho người bệnh về nhà. Thậm chí gia đình còn làm xong thủ tục với công ty mai táng sẵn sàng lo hậu sự cho cụ.

Khi về nhà, người bệnh vẫn tiếp tục được thở máy, duy trì thuốc vận mạch. Tuy nhiên, thấy hình ảnh nhịp tim trên monitor vẫn còn nên người thân đã quyết định đưa cụ trở lại viện, vào Khoa Hồi sức theo yêu cầu (HSTYC), Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Cụ ông được cứu chữa bằng phương pháp hạ thân nhiệt. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Tại Khoa HSTYC, cụ N.Đ.N vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow: 3 điểm, đồng tử 2 bên giãn 5mm, mất hết các phản xạ, vân tím rải rác toàn thân, nhịp tim: 130 chu kỳ/phút, HA: 70/40mmHg đang duy trì ba thuốc vận mạch liều tối đa, SP02: 70%, phổi nhiều ral ẩm, ral nổ. Xét nghiệm thể hiện tình trạng toan máu nặng, suy đa tạng với điểm SOFA: 16 điểm (tiên lượng tử vong > 90%).

Xác định tình trạng người bệnh rất nặng, các bác sĩ trực đã trao đổi, giải thích cho gia đình người bệnh cần tiếp tục các can thiệp chuyên sâu để cứu sống cụ. Theo đó, bệnh nhân N.Đ.N được kip cấp cứu của Khoa thực hiện các bước can thiệp chuyên sâu; lọc máu liên tục, đặt thiết bị thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO. Đặc biệt, người bệnh được tiến hành >hạ thân nhiệt chỉ huy.

Cụ ông tỉnh lại trong sự bất ngờ của người thân. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Sau 72 giờ tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy, người bệnh được ngừng thuốc an thần để đánh giá lại tri giác. Kết quả cho thấy, tri giác của bệnh nhân N.Đ.N đã được cải thiện, người bệnh có đáp ứng với kích thích, cả kip cấp cứu mừng vì bao nỗ lực đã cho kết quả tốt.

Người bệnh tiếp tục được điều trị, theo dõi và xử lý bệnh. Sau 63 ngày nằm viện, cụ N.Đ.N được ra viện trong tình trạng phục hồi tri giác, vận động hoàn toàn, có thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân.

 

Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các tai nạn như đuối nước, điện giật, sốc phản vệ,… có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn hô hấp. Nguyên nhân do tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn mạch vành, phổi. Do đó, cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp là cả một quá trình liên tục và khẩn trương bao gồm các biện pháp hồi sinh cơ bản, hồi sinh nâng cao và săn sóc sau hồi sức.

Ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời, ngừng tuần hoàn hô hấp sẽ gây ra biến chứng tử vong nhanh chóng với tỷ lệ lên tới 90% hoặc để lại di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn.

Cũng theo Báo Pháp luật Việt Nam, bác sĩ cho hay, hạ thân nhiệt đã được chứng minh có hiệu quả giúp cho người bệnh ngừng tuần hoàn có nhiều cơ hội sống hơn. Các báo cáo trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của liệu pháp này giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống 14% và giảm di chứng tàn phế xuống là 11%. Kết cục thần kinh tốt được quan sát thấy ở 85% số người sống sót ở Hoa Kỳ và lên đến 95% số người sống sót ở các nước châu Âu.

 

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe