Độc lực virus không tăng nhưng bệnh nhân nặng ngày càng nhiều. Các ca tử vong là đều nhập viện muộn, có dấu hiệu cảnh báo nặng và diễn biến bệnh rất nhanh.
Mới đây, PGS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ trên PLO cho biết, tính đến hiện tại, >Hà Nội đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do >sốt xuất huyết. Như vậy là thêm 3 ca so với 10 ngày trước. Một điểm chung của các ca tử vong là đều nhập viện muộn, có dấu hiệu cảnh báo nặng, sốc, suy đa nội tạng, chảy máu và diễn biến bệnh rất nhanh. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp ở độ tuổi 30-35 tuổi, thậm chí rất trẻ (22 tuổi), không có bệnh nền.
Ngoài ra, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận một số trường hợp chuyển nặng do tuyến dưới chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai. Chẳng hạn lẽ ra phải truyền dịch cao phân tử thì lại cho truyền dịch bình thường, hoặc bệnh đang ở giai đoạn tái hấp thu phải ngừng truyền dịch thì vẫn tiếp tục truyền…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thông tin trên VOV cho biết, sốt xuất huyết là dịch bệnh không có vaccine. Do vậy, chỉ có thể ngăn chặn bằng các biện pháp phòng, chống cơ bản. Theo bác sĩ Khanh, thời gian tới khi TP.HCM đang bắt đầu vào mùa mưa nhiều, >dịch sốt xuất huyết dự kiến còn gia tăng.
“Quan trọng nhất trong phòng, chống 2 dịch bệnh này là ý thức và cách phòng ngừa của người dân. Các dịch bệnh bùng phát bất thường là do sự suy giảm miễn dịch cộng đồng sau thời gian cách ly. Khi thiếu hụt miễn dịch sẽ khiến số ca mắc tăng cao và lây lan mạnh. Do vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tiếp tục gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 22 đến 29/9), thành phố ghi nhận hơn 2.500 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Các chuyên gia y tế dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11 tới. Nguyên nhân do diễn biến thời tiết như hiện nay là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.
Theo Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, với sốt xuất huyết, những ngày đầu có thể bị sốt cao nhưng chưa đáng lo. Tới khoảng 4-5 ngày sau, bệnh nhân hết sốt, tưởng là khỏi nhưng thực tế đang chuyển sang giai đoạn thoát huyết tương, cô đặc máu. Chưa kể có trường hợp sốt xuất huyết nhưng không sốt mà âm thầm chảy máu, chảy máu nội tạng, cô đặc máu, thoát dịch… rất khó phát hiện.
Bác sĩ Cường lưu ý các gia đình: Vào cao điểm dịch như hiện nay, khi người thân có dấu hiệu sốt cần nghĩ ngay đến khả năng sốt xuất huyết, theo dõi kỹ diễn biến. Từ ngày thứ tư trở đi, nếu thấy mệt mỏi, đau bụng, chân tay lạnh, ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, đi ngoài ra máu, chán ăn... cần đến ngay bệnh viện để theo dõi, điều trị.