Sau 10 ngày điều trị tích cực theo phác đồ sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, bé đã hồi phục tốt. Tại thời điểm xuất viện, trẻ tỉnh táo, tự thở, ăn bú tốt, các chỉ số xét nghiệm đều trở về mức bình thường, chỉ còn một số ban xuất huyết nhẹ ở hai cẳng tay.

Lan Chi (t/h) 10:45 16/12/2024

Theo thông tin từ VTV.vn, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa điều trị thành công cho 1 bé sơ sinh 4 ngày tuổi bị >sốt xuất huyết.

Bé Đ.A.D. (4 ngày tuổi), là con lần 3, thai 35 tuần, đẻ mổ cấp cứu vì ối vỡ non, cạn ối, cân nặng lúc sinh 2.600 gram, sau đẻ khỏe mạnh. Bé được khám và theo dõi hàng ngày tại Khoa Sản, phòng khám của Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Bé vào viện vì bú kém, ngủ li bì, thóp trũng. Trong quá trình điều trị cho bé, qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, bé được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue mặc dù chưa từng bị côn trùng đốt. Đặc biệt hơn, mẹ của trẻ đã được chẩn đoán sốt xuất huyết trước đó 1 ngày. Đây là một trường hợp lây truyền virus Dengue theo chiều dọc - lây truyền từ mẹ sang con hiếm gặp.

Bé được tiếp cận các xét nghiệm cận lâm sàng, đánh giá tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, cô đặc máu, tình trạng nhiễm trùng và các xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết.

Kết quả cho thấy bé mắc sốt xuất huyết với test NS1 Dengue (+), cùng với tình trạng cô đặc máu, tiểu cầu giảm. Ngay sau đó, bé được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết Denuge có dấu hiệu cảnh báo. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng cô đặc máu được kiểm soát, bé tỉnh táo, ăn tốt hơn, nhưng tiểu cầu vẫn giảm sâu kèm theo tình trạng ban xuất huyết rải rác toàn thân.

Việc truyền tiểu cầu đã được đặt ra nhưng bé không có xuất huyết niêm mạc cộng với tiền sử bệnh lý của mẹ bé, tiểu cầu hồi phục rất nhanh sau đó nên các bác sĩ quyết định chờ đợi. Sau 1 ngày, tiểu cầu có xu hướng tăng dần và ổn định trở lại trong 3 ngày tiếp theo.

10 ngày điều trị kể từ ngày nhập viện, bé được xuất viện trong tình trạng, tỉnh táo, tự thở, ăn bú tốt, đại tiểu tiện bình thường, còn ít ban xuất huyết ở 2 cẳng tay, chỉ số tiểu cầu và bạch cầu đã về bình thường.

Theo bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng Khoa Sơ sinh, trường hợp của bé là một ca bệnh có sự lây truyền virus theo chiều dọc (từ mẹ sang con), khai thác lại tiền sử, mẹ bé có sốt trước sinh 1 ngày, sau đó đột ngột vỡ ối non và phải đẻ mổ cấp cứu ở tuần thai 35. Sốt xuất huyết đã thúc đẩy sinh non ở sản phụ này (2 lần sinh trước của sản phụ đều đủ tháng).

Hình ảnh sốt xuất huyết ở các vị trí lấy máu và ban xuất huyết rải rác - Ảnh: VTV.vn

Theo thông tin từ Pháp Luật và Xã hội, theo các bác sĩ, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có một cách thức lây truyền khác không do côn trùng đốt, đó là lây truyền từ mẹ sang con. Các triệu chứng lâm sàng không đặc trưng nên dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót. Nếu không được chẩn đoán kịp thời và chính xác, trẻ có thể dẫn đến tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp. Sốt xuất huyết có thể lây truyền trong giai đoạn chu sinh (lây truyền theo chiều dọc).

Qua đây, các bác sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi và chẩn đoán sớm sốt xuất huyết ở cả sản phụ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong mùa dịch. Việc phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.

Lan Chi (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe