2 bệnh nhân tử vong vì nhiễm COVID-19 ở Đồng Nai đều mắc bệnh nền. Trong đó, có bệnh nhân mới 24 tuổi.
Theo bác sĩ Đoàn Quốc Duy, Phụ trách Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thông tin trên VTV cho biết, bệnh nhân V.T.H. (24 tuổi, trú tại phường Phước Tân, TP. Biên Hòa) nhập viện ngày 3/5 trong tình trạng suy hô hấp, xẹp phổi trái và thùy dưới phổi phải. Bệnh nhân này bị nhược cơ và đang điều trị suốt 3 năm nay. Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống, cho bệnh nhân thở máy ngay khi vào viện. Bệnh nhân tử vong ngay trong ngày 3/5.
Trước đó, ngày 28/4, bệnh nhân T.T.G. (59 tuổi, trú tại TP. Hồ Chí Minh) đã được chuyển từ Bệnh viện Đồng Nai 2 vào Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Lúc này, bệnh nhân đã ở thể trạng suy kiệt nặng, suy đa tạng và vẫn đang thở máy do COVID-19 diễn tiến nặng, không đáp ứng điều trị.
Bệnh nhân có tiền sử mổ cắt hoàn toàn phổi từ 1 năm trước, suy tim. Dù được tiếp tục điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi và tử vong vào ngày 30/4.
Theo bác sĩ Duy, hiện khoa đang điều trị 25 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5 ca đang phải thở máy. Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong dịp nghỉ lễ (từ ngày 29/4 đến hết 3/5), toàn tỉnh ghi nhận 143 ca mắc mới COVID-19 tại 10/11 huyện, thành phố (trừ huyện Xuân Lộc).
Cũng theo Báo Sức khỏe và Đời sống, số người mắc COVID-19 tại một số địa phương như Khánh Hòa, Lâm Đồng liên tục được ghi nhận trong những ngày gần đây, cùng với các giải pháp của ngành y tế thì người dân cần chủ động phòng dịch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 444 ca mắc COVID-19. Riêng trong tuần từ 29/4 đến 4/5 ghi nhận 128 ca mắc COVID-19.
Ngành y tế các địa phương khuyến cáo tất cả công dân cần thực hiện 2K. Đồng thời ngành y tế đã chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở giáo dục, các khu công nghiệp, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Cùng với phòng dịch, các cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương cần tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi. Các cơ sở tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng phải thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Tại các trường học, nơi công cộng, nhân viên y tế phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, nhà trường để thực hiện việc đeo khẩu trang và khử khuẩn. Ngành y tế nỗ lực triển khai các giải pháp nhưng người dân cũng cần chủ động phòng dịch và tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, đó là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ >sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo ghi nhận thực tế tại nhiều trường học, nơi công cộng hiện nay ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, hầu hết người dân đã chủ động thực hiện 2K. Các bậc phụ huynh và giáo viên cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ.