Tổng giám đốc WHO chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu từ ngày 5/5, song cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.

Văn Hiên (t/h) 11:17 06/05/2023

 

Theo thông tin báo Tuổi Trẻ, dẫn lời củaTổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus: "Hôm qua, ủy ban khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và đề nghị tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu (PHEIC) với COVID-19. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó", trong cuộc họp báo ngày 5-5.

WHO cảnh báo COVID-19 là PHEIC vào ngày 30-1-2020. Đây là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này với bệnh truyền nhiễm.

Động thái của WHO nhằm khiến các quốc gia phải nghiêm túc với COVID-19. Sau cảnh báo, quốc tế đã lao vào cuộc đua sản xuất vắc xin và phương pháp điều trị.

Việc dỡ bỏ cảnh báo PHEIC với COVID-19 là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã đạt được tiến bộ trong đối phó bệnh. Tuy nhiên WHO cho biết COVID-19 sẽ không bao giờ biến mất, ngay cả khi nó không còn là tình trạng khẩn cấp nữa.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (bên trái) trong một cuộc họp báo - Ảnh: REUTERS

"COVID-19 đã thay đổi thế giới và nó đã thay đổi chúng ta. Nếu chúng ta quay lại mọi thứ như trước COVID-19, chúng ta sẽ không rút ra được bài học của mình và khiến thế hệ tương lai của chúng ta thất bại", ông Ghebreyesus nêu vấn đề.

Tác động thực tế của việc chấm dứt PHEIC

Theo VnExpress dẫn lời các chuyên gia, PHEIC chủ yếu là một công cụ liên lạc để cảnh báo các quốc gia thành viên WHO kích hoạt hệ thống ứng phó dịch bệnh. Nó là lời nhắc nhở chính phủ xem xét mầm bệnh một cách nghiêm túc.

Tuyên bố khẩn cấp của WHO thường được sử dụng như một lời kêu cứu quốc tế cho các nước cần giúp đỡ. Tổ chức cũng có thể thúc đẩy những nước khác đưa ra biện pháp đặc biệt hoặc giải ngân thêm tài chính cho các nỗ lực chống lại dịch bệnh.

PHEIC cũng trao quyền cho giám đốc WHO chính thức khuyến nghị các biện pháp nên hoặc không nên thực hiện để ngăn chặn sự bùng phát. Sau khi ban hành PHEIC, ông Tedros đã khuyến nghị hạn chế đi lại và tăng cường xét nghiệm.

Đối với công chúng, việc kết thúc PHEIC không có quá nhiều ý nghĩa. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Đức và Mỹ từ lâu đã dỡ bỏ nhiều hạn chế trong thời kỳ >đại dịch. Mỹ sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về >sức khỏe cộng đồng vào ngày 11/5. Chính phủ nước này đã ký dự thảo trước đó vài tuần, khi WHO chưa có động thái mới đối với PHEIC.

Theo Victoria Fan, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, thông báo được WHO đưa ra vào thời điểm các nước đã tự rút ra biện pháp ngăn ngừa đại dịch trong hơn một năm. Hiện nay, nhiều nước có ưu tiên về chính trị và xã hội khác, đặc biệt trong bối cảnh nợ, lạm phát gia tăng và những cuộc khủng hoảng khác nổi lên lấn át Covid.

"Vì vậy, PHEIC kết thúc là một cái nhún vai tập thể", Fan nói.

Covid-19 có còn là đại dịch không?

Dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã kết thúc, ông Tedros vẫn cảnh báo virus còn tồn tại trên thế giới, hàng nghìn người có thể tử vong mỗi tuần. Theo ông, các biến chủng mới vẫn có thể xuất hiện khiến số ca mắc và nguy kịch gia tăng. Ông cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.

"Điều tồi tệ nhất mà các quốc gia có thể làm bây giờ là sử dụng tin tức này như lý do để mất cảnh giác, gỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng trước đó hoặc gửi tới người dân thông điệp rằng >Covid-19 không còn đáng lo", ông Tedros nói thêm.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, cảnh báo Covid-19 vẫn còn là mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng. Virus tiếp tục tiến hóa, trong khi đó thế giới vẫn còn những lỗ hổng về y tế, xã hội.

Người dân đeo khẩu trang khi đi lại trên đường phố Bắc Kinh, tháng 10/2022. Ảnh: AP (VnExpress)

"Chúng tôi chắc chắn virus sẽ tiếp tục lây truyền, đây là quy luật của đại dịch. Trong hầu hết trường hợp, đại dịch này chỉ thực sự kết thúc khi đại dịch tiếp theo bắt đầu", ông nói.

Tháng 4, thế giới ghi nhận gần ba triệu trường hợp dương tính, hơn 17.000 ca tử vong. Các nước Đông Nam Á và Trung Đông báo cáo đợt bùng phát đột biến.

Các biện pháp phòng ngừa Covid-19 giai đoạn hiện tại

Khác với những năm đầu của Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng cao và miễn dịch từ những lần nhiễm bệnh tự nhiên đã giúp giảm đáng kể tác động của virus. Dù vậy, Simon Clarke, phó giáo sư vi sinh học tại Đại học Reading của Anh, cảnh báo mọi người không nên bỏ qua tất cả biện pháp bảo vệ

WHO nhận định nCoV sẽ không biến mất hoàn toàn, đồng thời khuyến nghị mọi người tiêm vaccine, đặc biệt là liều tăng cường. Dù nhiều quốc gia đã gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp ngừa dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, chuyên gia khuyến nghị nhóm có nguy cơ cao vẫn nên tuân thủ nghiêm túc các biện pháp bảo vệ bản thân.

PHEIC tạo ra một thỏa thuận giữa các quốc gia tuân thủ các khuyến nghị của WHO. Mỗi quốc gia tự tuyên bố tình trạng của riêng mình. Mỹ sẽ là nước kế tiếp tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn với COVID-19 từ ngày 11/5 tới, theo Đài CNN.

 

Văn Hiên (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe