Số liệu cho thấy thế giới có khoảng 20.000 người chết vì sốt xuất huyết mỗi năm, chủ yếu là ở châu Á và châu Mỹ.
Theo thông tin từ VnExpress, Sir Jeremy Farrar, nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo >sốt xuất huyết có thể lây lan ở miền Nam nước Mỹ và miền Nam châu Âu trước năm 2030. Ông cho biết nhiệt độ ấm lên khiến muỗi mang mầm bệnh xâm nhập sâu hơn vào nhiều nước, làm gia tăng số ca mắc.
Số liệu cho thấy thế giới có khoảng 20.000 người chết vì sốt xuất huyết mỗi năm, chủ yếu là ở châu Á và châu Mỹ. Bệnh có tỷ lệ tử vong là một ca trên 100 bệnh nhân. Ở Việt Nam, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 70.000 ca sốt xuất huyết, gần 20 bệnh nhân tử vong.
Trong khi đó ở Mỹ ghi nhận khoảng 1.200 trường hợp mỗi năm, gần 600 người trong đó mắc bệnh ngay tại địa phương sinh sống. Các nhà khoa học cho biết sốt xuất huyết có thể trở thành dịch bệnh đặc hữu ở Mỹ nếu muỗi từ Mexico tìm được cách di chuyển xa hơn về phía Bắc.
"Chúng ta cần chủ động hơn đối với sốt xuất huyết, chuẩn bị cho các quốc gia cách đối phó với áp lực y tế sẽ đến trong tương lai, đặc biệt tại các thành phố lớn", tiến sĩ Farrar nói.
Ông đề cao tầm quan trọng của việc điều trị và chăm sóc lâm sàng chuyên sâu. Công tác này đòi hỏi tỷ lệ y tá trên bệnh nhân cao, có thể là trở ngại tại khu vực châu Phi cận Sahara.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở Mỹ, nơi nó không phổ biến trước đây. Dù có quy mô tương đối nhỏ, các chuyên gia cảnh báo căn bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn do nhiệt độ tăng cao.
Sốt xuất huyết do muỗi Aedes aegypti lây truyền, đã được tìm thấy ở một số khu vực phía nam. Chúng hoạt động liên tục và có thể sinh sản ngay cả ở những vũng nước nhỏ nhất.
Bệnh gây triệu chứng sốt cao, đau đầu đột ngột, đau hốc mắt, đau khớp, chẳng hạn khớp gối và khuỷu tay. Trong các trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, chẳng hạn hội chứng sốc sốt xuất huyết. Tình trạng này gây chảy máu nghiêm trọng, viêm não hoặc sưng não.
Hiện chưa có phương pháp chữa sốt xuất huyết chính thức. Để điều trị, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân truyền nước, sử dụng hạ sốt và giảm đau trong một số trường hợp.
Đầu tháng 10, WHO đã khuyến nghị sử dụng vaccine Qdenga ngừa sốt xuất huyết cho trẻ từ 6 đến 16 tuổi ở những khu vực bệnh lây nhiễm nghiêm trọng. Qdenga cũng đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm EU phê duyệt.
Dẫn tin từ Sức khỏe Đời sống, sốt xuất huyết là bệnh do virus sốt xuất huyết gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti. Bốn chủng virus gây sốt xuất huyết là DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4.
Hầu hết người bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một số triệu chứng phổ biến có thể kể đến như sốt cao, đau mỏi người, phát ban, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Yếu tố nguy cơ
- Tiền sử mắc sốt xuất huyết.
- Đô thị hóa, mật độ dân số, nguồn nước,...
- Kiến thức của người dân trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết.
- Địa lý, sự biến đổi khí hậu.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là do nhiễm virus sốt xuất huyết (DENV), thuộc một trong bốn chủng: DENV-1, DENV-2, DENV-3 hoặc DENV-4.
Virus này lây truyền qua vết cắn của muỗi Aedes aegypti. Khi muỗi cái đốt người trong giai đoạn sốt hoặc nhiễm virus (khi virus có trong máu), virus sốt xuất huyết có thể xâm nhập vào tế bào dạ dày và tuyến nước bọt của muỗi. Sau đó, virus sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 8 - 12 ngày trong cơ thể muỗi. Khi muỗi nhiễm bệnh đốt người khác, nó có thể truyền virus vào máu người bị cắn, khiến triệu chứng sốt xuất huyết phát triển trong vòng 3 - 15 ngày.