Thời gian gần đây, tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn. Đây là một trong những loại bệnh được xem là nguy hiểm cần cẩn trọng.
Thông tin từ Báo Nhân Dân, ông Y.T.B trú tại xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắc đi dự đám giỗ ở nhà bà con tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, có ăn một ít tiết canh lợn do nhà làm. Sau khi ăn tiết canh lợn vào buổi trưa, đến tối ông bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, ù tai và dùng thuốc nhưng không thuyên giảm.
Ngày 4/5, ông Y.T.B nhập Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị với chẩn đoán sốt nhiễm trùng, theo dõi quai bị, theo dõi viêm tai giữa trên nền đái tháo đường type 2.
Đến ngày 6/5, kết quả xét nghiệm vi sinh cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptocotus Suis (bệnh >liên cầu lợn) và được chẩn đoán >viêm màng não mủ do Streptocotus Suis. Rất may, ông Y.T.B phát hiện bệnh sớm và được điều trị kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Trước đó, ngày 2/4, bệnh nhân P.K.T trú tại huyện Ea H’leo xuất hiện triệu chứng sốt cao, kèm đau đầu, đi khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, sau đó người nhà xin về. Đến ngày 5/4, bệnh nhân sốt cao kèm lơ mơ, người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo khám và điều trị, cùng ngày bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục theo dõi và điều trị với chẩn đoán sốc chưa rõ nguyên nhân, theo dõi viêm gan cấp.
Ngày 11/4, người nhà xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán khi chuyển viện mắc viêm màng não do Streptocotus Suis. Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 14/4, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị. Đến ngày 26/4, bệnh nhân được xuất viện với chẩn đoán viêm màng não do Streptocotus Suis.
Cũng theo VOV, điều này dấy lên nhiều lo ngại bởi liên cầu lợn là bệnh cực kỳ nguy hiểm, bệnh lây truyền trực tiếp từ lợn sang người do vi khuẩn Streptococcus Suis gây nên. Bệnh diễn biến nhanh chóng, người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Khi mắc bệnh, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Khi mắc bệnh, chi phí điều trị bệnh liên cầu lợn khá tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề, nguy cơ tử vong khi đã biến chứng rất cao.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm thông tin trên VOV nói: “Khuyến cáo người dân đề phòng hai con đường lây đó là đường ăn uống và tiếp xúc. Trước tiên quan trọng nhất là đường ăn uống, người dân không được ăn tiết canh động vật, đó là nguồn lây chính, ngoài liên cầu lợn thì còn có các bệnh nhiễm trùng, các bệnh xoắn khác rất nguy hiểm. Bệnh liên cầu lợn phải dùng kháng sinh dài ngày, kháng sinh đặc hiệu, ảnh hưởng đến >sức khỏe, đến chức năng sống của người bệnh và về lâu về dài cũng có những biến chứng mà mình chưa lường được trước. Do vậy vấn đề chủ lực vẫn phải phát hiện sớm điều trị kịp thời thì mới tránh được tử vong"./.