Trong lúc đi du lịch với gia đình, cụ ông vội uống thuốc nên bị sặc, sau đó thấy tức ngực, khó thở và khi về nhà thì ho ra máu.
Khoa Nội hô hấp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh) mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nam (77 tuổi) vào viện thăm khám vì lý do ho ra máu, tức ngực sau xương ức. Bệnh nhân cho biết mình là cán bộ nghỉ hưu, đang điều trị bệnh tăng huyết áp, dùng thuốc theo đơn ngoại trú đều.
Bệnh nhân có thói quen khi lấy thuốc ngoại trú về cắt nhỏ vỉ thuốc thành các viên thuốc rời chia uống từng ngày. Hôm uống thuốc, bệnh nhân có lịch đi du lịch với gia đình, xe chờ bên ngoài nhà, nhiều người giục, bệnh nhân vội uống thuốc nên bị sặc sau đó thấy tức ngực, khó thở nhưng vẫn đi chơi được.
Khi đi chơi về bệnh nhân vẫn thấy khó chịu vùng ngực đi khám nội soi tai mũi họng và nội soi đường tiêu hóa không thấy viên thuốc, về dùng thuốc tại nhà. Bệnh nhân còn thấy tức ngực sau xương ức, cảm giác khó thở, ho khạc ra dây máu vào viện khám và điều trị.
Khi vào Khoa Nội hô hấp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính ngực có nghi ngờ> dị vật khí quản, bệnh nhân được làm tiếp nội soi phế quản. Các bác sĩ phát hiện dị vật là viên thuốc huyết áp chưa được bóc vỏ, niêm mạc khí quản bị tổn thương viêm nề, xung huyết. Bệnh nhân được điều trị tiếp hai ngày sau ổn định ra viện sớm theo nguyện vọng.
Theo DSCKI Phan Thị Hoa - Phó trưởng khoa - Phụ trách khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, việc hít phải viên thuốc là một nguyên nhân hiếm gặp có thể gây tổn thương đường thở, chiếm khoảng 7% các trường hợp hít sặc dị vật.
Tình trạng này hay xảy ra ở người cao tuổi do chứng khó nuốt hay việc phải sử dụng nhiều loại thuốc, chủ yếu dưới dạng rắn (viên nén, viên nang). Hít phải thuốc dẫn đến tắc nghẽn đường thở và viêm niêm mạc phế quản.
Bản chất của tổn thương đường thở xuất hiện phụ thuộc vào tính chất hoá học của thuốc. Việc phát hiện và can thiệp sớm có thể giúp cải thiện tiên lượng của bệnh nhân do giảm thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc, do đó dẫn đến ít tổn thương hơn vì thuốc có thể tan rã nhanh chóng dẫn đến tổn thương đường thở vĩnh viễn không thể chữa khỏi.
Một số ca lâm sàng đã được báo cáo về các trường hợp hít phải thuốc, cho thấy có tình trạng viêm ở ngoại vi và ban đỏ (amlodipine), kích ứng mạn tính niêm mạc dẫn đến xơ hoá (vitamin D), tiếp xúc ngắn gây kích ứng tại chỗ, tiếp xúc kéo dài gây loét mạch máu phế quản và phổi cấp tính, tổn thương mạch máu có thể gây xuất huyết gây tử vong (sắt), phế quản bị phù nền nghiêm trọng (viên nang mềm multivimin gốc đậu nành có chứa khoáng chất: magnesi, calci, iod, molypden, kẽm, selen, đồng)…
Để phòng ngừa hít sặc cho bệnh nhân, có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Kiểm soát tốc độ ăn uống, dùng thuốc: Bệnh nhân ăn uống chậm rãi, nhai thức ăn kỹ và tránh ăn đồ quá nhỏ hoặc quá lớn. Nếu bệnh nhân cần dùng nhiều loại thuốc một lúc thì nên uống từng viên một với một lượng nước nhất định, hạn chế uống một lúc nhiều thuốc. Nếu viên thuốc quá to người bệnh có thể nghiền nhỏ nếu có sự đồng ý của bác sỹ. Điều này giúp quá trình nuốt trở nên dễ dàng và giảm nguy cơ hít sặc.
- Kiểm soát quá trình ăn uống, dùng thuốc: Bệnh nhân tập trung vào quá trình ăn uống, không bị xao nhãng hoặc phân tâm. Sự tập trung vào việc ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ hít sặc.
- Đảm bảo tư thế ăn uống, dùng thuốc đúng cách: hạn chế nằm khi ăn, uống hoặc dùng thuốc. Không ngửa cổ mà nên gập cổ khi nuốt.
Việc nắm chắc cách xử trí và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả có thể giảm đáng kể nguy cơ hít sặc, tránh được các tác hại không đáng có, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Nếu phát hiện có các triệu chứng hít sặc thuốc cần can thiệp kịp thời tránh để lâu sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.