Theo chuyên gia Y tế, việc tăng cường phòng chống dịch bệnh trong thời điểm virus gia tăng là vô cùng quan trọng. Song, nếu đeo khẩu trang suốt buổi học để phòng dịch là không cần thiết.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin trên Báo Giao Thông cho biết: “Mặc dù, số ca mắc mới Covid-19 có tăng nhanh trong những ngày gần đây, tuy nhiên không cần thiết yêu cầu trẻ phải đeo khẩu trang trong toàn thời gian học tại trường.
Mỗi lớp học nên theo dõi sát sao, nếu trẻ nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19, thì nên test. Trong trường hợp dương tính, cho trẻ ở nhà cách ly theo quy định của bộ Y tế, các trẻ khác đến trường bình thường.
Quan trọng nhất là cần đảm bảo việc khử khuẩn tốt ở trường, lớp. Hơn nữa, trẻ khi mắc Covid-19 thường nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn”.
Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh có công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong ngành giáo dục thực hiện nghiêm quy định 2K bằng việc đeo khẩu trang toàn thời gian ở trường và tích cực khử khuẩn.
Được biết, tính đến ngày 16/4, có 560 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh mắc Covid-19. Trong đó, các ca mắc được phát hiện tại các trường học như: Trường THPT Hoàng Văn Thụ (22 học sinh), Trường tiểu học Stephen Hawking (7 học sinh), Trường Dân tộc nội trú tỉnh (66 giáo viên, học sinh)...
Tương tự, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng vừa có văn bản khẩn về việc tăng cường phòng chống Covid-19, trong đó có yêu cầu các giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm 2K, đeo khẩu trang và khử khuẩn trong trường học.
Còn tại Hà Nội, nhiều trường cũng gửi tin nhắn tới các gia đình học sinh, đề nghị "nhắc nhở các con thực hiện đeo khẩu trang khi đến trường, khi tham gia các hoạt động tập thể”.
Theo quy định của Bộ Y tế về việc sử dụng khẩu trang phòng chống dịch Covid-19, các trường hợp bắt buộc phải sử dụng khẩu trang áp dụng cho người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; Tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4.
Ngoài ra, việc bắt buộc đeo khẩu trang được quy định tại cơ sở y tế; nơi cách ly y tế; nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế; khi tham gia phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi...) hoặc tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người
Còn tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường…), thì nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng được quy định phải đeo khẩu trang.
Theo Báo Tuổi Trẻ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, trước khi đi vào ổn định và có thể dự đoán được.
Theo số liệu từ WHO, trong 28 ngày qua, có hơn 3 triệu ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong do COVID-19.
Người phụ nữ xuất trình chứng nhận y tế trên điện thoại cho nhân viên mặc đồ bảo hộ để vào khu dân cư ở Bắc Kinh, ngày 4-12-2022. Lúc này dịch COVID-19 đang bùng phát ở thủ đô Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
"Mặc dù số lượng đang giảm, nhưng vẫn còn rất nhiều người chết và mắc bệnh" - ông Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cho biết trong cuộc họp báo ngày 18-4.
Theo ông Ryan, các loại vi rút đường hô hấp không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành", thay vào đó chuyển sang giai đoạn hoạt động ở mức độ thấp với các đỉnh dịch xuất hiện theo mùa.
"Dịch bệnh không giống việc tắt công tắc - ông Ryan khẳng định - Nó giống như con đường gập ghềnh dẫn đến mô hình dễ đoán hơn".
Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 cứ ba tháng họp một lần và dự kiến cuộc họp tới diễn ra vào tháng 5.