Mới đây, chuyên gia đã giải đáp các thông tin về việc dịch bệnh gia tăng, có cần tiếp tục tiêm vaccine bổ sung hay không?
PGS. TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng – Bộ Y tế thôgng tin trên VOV cho rằng, trong thời gian tới có thể sẽ phải tiêm giống như tiêm vaccine cúm mùa hàng năm. Bộ Y tế đang có nghiên cứu, đánh giá và đưa ra lịch tiêm cụ thể. Ông cũng lưu ý người dân cần tuân thủ theo lịch tiêm của Bộ Y tế đưa ra, đặc biệt là các đối tượng người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch.
Theo thống kê, trong 7 ngày từ 9/4 - 15/4, cả nước đã ghi nhận 2.653 ca mắc COVID-19 mới, trung bình 379 ca mắc mới/ngày. Đây là con số cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc mới, PGS. TS. Trần Đắc Phu đề cập đến 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là miễn dịch trong cộng đồng giảm; thứ hai là nới lỏng trong cảnh giác cộng đồng, người dân tham gia sự kiện công cộng không thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh; thứ ba là yếu tố giao mùa, điều kiện lạnh và ẩm khiến virus dễ lây lan hơn.
Ông Trần Đắc Phu cũng đưa ra dự đoán, tình trạng ca mắc mới vẫn sẽ tăng trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới, do các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch và các hoạt động cộng đồng khác.
Theo Pháp luật TP.HCM, UBND TP.HCM giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng COVID-19, đặc biệt đối với các nhóm người có nguy cơ cao.
Sở này cũng chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý cửa khẩu và đơn vị liên quan triển khai các biện pháp giám sát tại cửa khẩu.
Ngành y tế TP cần tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống >covid-19.topic'>dịch COVID-19.
Sở TT&TT TP.HCM tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên khử khuẩn, rửa tay sạch…
Đồng thời, truyền thông về việc thực hiện nghiêm tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trên địa bàn TP tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương khi có ca bệnh trong trường học.
Các sở, ban, ngành TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cạnh đó, xử nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch trên địa bàn.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19. Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch COVID-19 trong nước đang có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Đồng thời, các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc, dẫn đến khả năng gây dịch chồng dịch.
Từ đầu tháng 3 đến nay, TP.HCM có số ca mắc COVID-19 mới dưới 3 ca/ngày. Trong bảy ngày qua (từ ngày 6 đến 12-4), TP ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 xác định. Riêng ngày 12-4 có 18 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 9 ca cần hỗ trợ hô hấp.