Tin vào một số lời đồn về chữa bệnh ung thư, một số bệnh nhân đã gặp tình trạng thương tổn nặng, thậm chí tử vong.
Theo thông tin từ Báo VnExpress mới đây, sau nửa năm bỏ điều trị về nhà ăn thực dưỡng, người phụ nữ 57 tuổi trở lại viện K trong tình trạng suy kiệt, khối u chuyển giai đoạn cuối.
Trước đó, bà đã phẫu thuật cắt một đoạn đại tràng, sau mổ, bà phục hồi tốt, bác sĩ chỉ định hóa chất xử lý triệt để khối u, nhưng bà từ chối điều trị, xin về nhà ăn theo >phương pháp thực dưỡng. 6 tháng sau, bà sụt cân, gầy yếu, liên tục đau bụng.
Lúc này, bệnh chuyển sang giai đoạn 4, cơ hội điều trị giảm, thể trạng của bà yếu ớt, không thể phẫu thuật.
Cũng tin "nhịn ăn chữa lành ung thư", người phụ nữ, 43 tuổi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y hồi tháng 4, do thể trạng suy kiệt, khối u hoại tử, bốc mùi hôi thối. Hai năm trước, bà được chẩn đoán ung thư vú, khối u khoảng 2 cm, không điều trị, xin về nhà uống thuốc nam và nhịn ăn. Khi nhập viện, khối u lúc này tăng lên 20 cm, vỡ, chảy máu không thể cầm. Bệnh nhân phải cắt bỏ một bên ngực, lấy da đùi ghép vào vùng ngực tổn thương.
Tương tự, một người đàn ông, 59 tuổi, ung thư thực quản giai đoạn hai, xin về nhà tự uống thuốc nam. Sau 5 tháng, bệnh nhân nuốt nghẹn, không thể ăn uống. Kết quả kiểm tra khối u đã xâm lấn vào khí quản, gây rò thực quản - khí quản. Ông còn bị rối loạn đông máu do dùng thuốc nam, tiểu cầu giảm dưới 50. Bác sĩ kết luận "không thể làm gì được nữa".
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, thời gian qua, có nhiều câu chuyện đáng tiếc được cảnh báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về những trường hợp tin vào thực dưỡng, tập thiền, điều trị ung thư. Tuy nhiên chia sẻ tại chương trình tư vấn trực tuyến “Tư vấn tâm lý và chế độ >dinh dưỡng dành cho người bệnh ung thư”, GS.TS.Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết “Trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đương nhiên là cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại và phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Hiểu một cách đơn giản bất kì loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư.
Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein ..... chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mãn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh.
Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.
Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điêu trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.”
Theo bác sĩ Thành thông tin trên VnExpress, hiện không có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh chế độ ăn này có thể điều trị hoặc chữa khỏi ung thư, thậm chí khiến cơ thể héo mòn và suy kiệt, gián đoạn quá trình điều trị. Hiệp hội Ung thư Mỹ và Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh khuyến cáo không nên áp dụng phương pháp này cho người bệnh nan y, trẻ em, thai phụ hoặc đang cho con bú.
"Không thể có một loại thuốc chữa được bách bệnh, do đó bất cứ ai tuyên bố đã tìm ra giải pháp thần kỳ chữa khỏi mọi bệnh ung thư, đều sai sự thật", ông Grimes chuyên gia ung thư của Đại học Oxford, Anh cho hay.
Để tránh sa vào bẫy tin đồn, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin trên VnExpress, khuyến cáo bệnh nhân và gia đình nên tỉnh táo, thông thái. Mọi người cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ nhất về bệnh, điều trị, tiên lượng cũng như dùng các phương thức và thuốc chính thống tại bệnh viện.