Tin theo lời quảng cáo thẩm mỹ mũi theo tiktok, một nữ bệnh nhân đã gặp biến chứng nặng, gây hoại tử mũi.
Theo Báo Dân Trí, bệnh nhân là chị N. (31 tuổi, quê Tây Ninh). Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây không lâu, chị theo dõi trên tiktok và thấy tài khoản tên H.P.Nh., có hàng ngàn người theo dõi, tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ. Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, >làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.
Ngày 8/2, N. tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) để gặp "bác sĩ tiktok". Qua tư vấn, cô gái chấp nhận để bác sĩ Nh. nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng.
Tuy nhiên khi thực hiện, N. lại được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác trên địa bàn quận 10. Cô được tiến hành gây mê trong lúc sửa mũi.
Khoảng 3 tuần sau, chị N. quay trở lại gặp bác sĩ Nh. tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng.
Người nhận sửa mũi cho chị N. trấn an cô rằng đây là tình trạng "tăng sinh mô", từ từ sẽ trở lại bình thường. Nếu muốn, bác sĩ Nh. sẽ tiêm collagen để mũi sớm đầy đặn lại. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng tiêm, mũi của cô gái chẳng những không đầy mà còn bị sưng đỏ, sau đó chuyển dần sang màu tím đen.
Bác sĩ Nh. lại giải thích "không sao, chừng vài ngày sẽ hết", nhưng tình trạng càng lúc càng nặng nề. N. liên hệ một số bác sĩ khác để nhờ tư vấn thì được cảnh báo mũi có nguy cơ đã> hoại tử nặng.
Lúc này, cô gái mới ý thức mũi mình gặp vấn đề, nên cương quyết yêu cầu cơ sở thẩm mỹ phải rút sụn mũi và trả lại tiền đóng trước đó.
"Lúc đầu họ nhất quyết không đồng ý yêu cầu của tôi. Chỉ khi tôi chạy đến trụ sở làm căng thẳng, bác sĩ Nh. mới chịu cho nhân viên rút sụn mũi và trả lại 30% số tiền 100 triệu đồng đã đóng trước đó của tôi" - bệnh nhân chia sẻ.
Sau khi rút sụn, chân mũi của chị N. tiếp tục bị sưng đen. Quá lo sợ, ngay sáng hôm sau, chị N. tìm đến Bệnh viện Trưng Vương cầu cứu. Tại đây qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không được tiêm collagen mà là filler (chất làm đầy) trên nền mũi đã từng chỉnh sửa trước đó, khiến mũi bị tắc mạch, hoại tử nặng.
Điều đáng nói là khi bệnh nhân gặp biến chứng lần đầu, cơ sở thẩm mỹ đã rút sóng mũi ra và tiếp tục cấy thêm trung bì mũi, trên nền mũi đang hoại tử, khiến tình trạng diễn tiến xấu hơn.
Để xử lý cho bệnh nhân, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật lấy hết các vật liệu bên trong mũi ra ngoài, mổ giải áp, xử lý tình trạng hoại tử. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được cho về nhà tự theo dõi, chờ từ 3-6 tháng để hồi phục. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân lại tìm đến một spa trên đường 3/2 (quận 10) để cấy chỉ nâng mũi, vì nghe quảng cáo sẽ được chỉnh sửa thành công cấp tốc. Hậu quả, mũi cô tiếp tục bị tàn phá nặng.
"Khi bệnh nhân trở lại bệnh viện, chúng tôi tiến hành mổ, lấy ra đến 60 cọng chỉ được cấy vào mũi. Đây là số lượng thật sự khủng khiếp, không thể tưởng tượng được cơ sở nào lại làm chuyện sai hoàn toàn này cho bệnh nhân" - bác sĩ điều trị bức xúc.
Theo Báo Tiền Phong, liên quan đến việc thẩm mỹ, nâng mũi làm đẹp nhưng gặp biến chứng, một cô gái trẻ ở Vĩnh Long phải nhập viện vì biến chứng đau nhức, chảy dịch sau 6 tháng phẫu thuật, bị nhiễm trùng sau phẫu thuật nâng mũi. Theo lời kể của chị N. trước nhập viện 6 tháng, chị có thực hiện nâng mũi bằng vật liệu độn nhân tạo (silicon) tại một cơ sở làm đẹp. Sau đó, phần mũi chị bị viêm đỏ, sưng, chảy dịch, đau nhức, có giảm khi uống thuốc nhưng sau đó tái đi tái lại nhiều lần nên đã đến bệnh viện kiểm tra.
Chẩn đoán chị N. bị nhiễm trùng sau phẫu thuật nâng mũi, nguy cơ hoại tử đầu mũi nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rút vật liệu độn nhân tạo, làm sạch khoang đặt sống mũi. Sau đó, bệnh nhân được thiết kế tạo dáng sống mũi và đầu mũi bằng phương pháp ghép trung bì mỡ (trung bì mỡ lấy ở khe mông giúp giấu sẹo).
"Người dân phải hết sức tỉnh táo khi muốn làm đẹp. Nếu đã xảy ra biến chứng, cần tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, không nên dại dột đến những cơ sở trôi nổi, để người không được đào tạo, không nắm vững chuyên môn can thiệp thẩm mỹ, gây hậu quả nặng nề" - chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo.
Theo Báo Người Lao Động, liên quan đến việc quảng cáo, nhiều trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok…, khán giả thường xuyên bị nhồi nhét những quảng cáo từ những nghệ sĩ nổi tiếng. Việc các nghệ sĩ xuất hiện trong các >video clip quảng cáo với đủ các loại bệnh đã diễn ra từ lâu, khiến cư dân mạng bức xúc.
Sau nhiều đợt bị chỉ trích, phải xin lỗi trên trang cá nhân, gỡ bỏ các quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, số lượng các video clip quảng cáo của nghệ sĩ có giảm nhưng gần đây lại tràn lan. Một số nghệ sĩ cho rằng bản thân bị cắt ghép hình ảnh chứ không tham gia quảng cáo lố các loại thuốc, thực phẩm chức năng.