Thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết.

Q.T.N (TH) 13:33 23/03/2023

Theo thông tin từ báo Người Lao động, ngày 23/3, Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết vừa có công văn yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng các đơn vị, địa phương và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh marburg.

Theo Bộ Y tế, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong đến 88%. Bệnh do virus marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả. Bệnh có thể lây từ động vật sang người, từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch…), hoặc với môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc do virus marburg.

Thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.

Do đó, Sở Y tế Bình Phước yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối phối hợp với các đơn vị tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh; giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ; trong đó, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực Châu Phi trong vòng 21 ngày.

Đồng thời, phối hợp với Viện Pasteur TP. HCM lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Các đơn vị thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ; tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến người dân.

Bình Phước là địa phương có 260 km đường biên chung với Campuchia - nơi có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, do đó công tác phòng chống dịch bệnh phải được thắt chặt và giám sát thường xuyên.

Trạm xá quân dân y hữu nghị được đặt tại khu vực cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch cho bà con 2 nước - Ảnh: báo Người Lao động 

Theo thông tin từ báo Chính phủ, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Chợ Rẫy) cũng mới phát thông báo cảnh báo về >Virus Marburg có thể gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola và đưa ra các biện pháp phòng ngừa chuẩn.

Virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. Virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). Từ 7/1/2023 đến 21/02/2023, đã ghi nhận 9 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi) trong đó có 1 ca đã xác nhận bằng xét nghiệm, tất cả các ca đều đã tử vong.

 

Căn cứ tình hình diễn tiến của bệnh do virus Marburg (MVD), khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn lưu ý một số nội dung sau:

Phát hiện sớm, cách ly người bệnh:

Tại các khoa phòng có khả năng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Marburg:

Cảnh báo cho nhân viên về khả năng lây nhiễm của bệnh. Tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng: Ngay lập tức tiến hành cách ly người bệnh. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua ĐƯỜNG TIẾP XÚC và GIỌT BẮN. Báo cáo ngay về phòng Kế hoạch tổng hợp, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và các khoa phòng liên quan. Tăng cường vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc (2 lần/ngày và khi bẩn). 

Tăng cường thực hiện vệ sinh tay (theo 6 bước, 5 thời điểm) Các khoa có khả năng tiếp nhận bệnh nhân MVD cần dự trù phương tiện phòng hộ cá nhân: áo choàng hoặc tạp dề dài tay, găng tay, khẩu trang, tấm chắn,… Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với ca nghi ngờ. Yếu tố dịch tễ: Đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ hoặc ca xác định MVD mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp. Triệu chứng lâm sàng: sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy,… mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác.

Tăng cường vệ sinh môi trường các bề mặt hay tiếp xúc (2 lần/ngày và khi bẩn).

Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây:

Tăng cường thực hiện vệ sinh tay (theo 6 bước, 5 thời điểm) và các khoa có khả năng tiếp nhận bệnh nhân MVD cần dự trù phương tiện phòng hộ cá nhân: áo choàng hoặc tạp dề dài tay, găng tay, khẩu trang, tấm chắn,… Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với ca nghi ngờ.

Q.T.N (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe