Trong bối cảnh bắt đầu năm học mới, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng ở trẻ tăng cao. Theo các chuyên gia, cần có những biện pháp phòng tránh để giảm thiểu tình trạng lây lan ở trẻ.
Theo thông tin từ Sức khoẻ Đời sống, số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) công bố ngày 10/8, trong tuần 31 (từ ngày 31/7-6/8), TPHCM đã ghi nhận 2.401 ca mắc bệnh tay chân miệng, số ca mắc trong tuần này đã giảm so với tuần 30 với 2.665 ca mắc.
Nếu so với trung bình số ca mắc bệnh trong 4 tuần trước có thể thấy các tuần 26, 27, 28 là những tuần có tốc độ gia tăng nhanh, khoảng 107-126% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tuần 29 và 30 cũng có tốc độ gia tăng tương đối lớn, tăng 43-62% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên, trong tuần 31, tốc độ tăng chỉ 5,6% so với trung bình 4 tuần trước.
Tính từ đầu năm đến ngày 6/8, tổng số ca mắc bệnh >tay chân miệng tại TPHCM đã đạt 16.355 ca, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022 (11.203 ca). Mặc dù con số này vẫn tăng, nhưng tốc độ gia tăng đang dần chậm lại. Điều này thể hiện hiệu quả của việc kiểm soát, phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh của Thành phố.
Trong việc quản lý và điều trị, các bệnh viện đã ghi nhận sự giảm tổng số ca nhập viện trong tuần qua. Tổng cộng có 736 ca nhập viện, giảm 82 ca so với tuần trước. Trong đó, số ca có địa chỉ tại TPHCM chiếm 45,2%. Số ca xuất viện trong tuần cũng tăng lên 924 ca, tăng hơn 150 ca so với tuần trước. Số ca nhập viện mới mỗi ngày dao động từ 87-145 ca/ngày, giảm khoảng 5% so với tuần trước. Số ca nặng điều trị dao động từ 19-30 ca/ngày, giảm khoảng 15% so với tuần trước.
Trước bối cảnh ngày tựu trường, đi học trở lại của học sinh cận kề, dẫn tin từ báo Giáo dục Thời đại, BSCKI Huỳnh Lâm Thuỳ Trinh - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, bệnh tay chân miệng đa số diễn ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, không ít trường hợp trẻ mắc bệnh được phát hiện bởi phụ huynh hoặc giáo viên. Trong bối cảnh năm học mới, bác sĩ Trinh cho biết, các cô giáo, bảo mẫu của trẻ cần chú ý tới những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng.
Cụ thể, trẻ mắc tay chân miệng thường xuất hiện các nốt đỏ. Đặc biệt, trẻ có thể nổi ban ở lòng ban tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông, cũng như xuất hiện vết loét ở miệng. Đôi khi, trẻ mắc tay chân miệng có biểu hiện kín đáo hơn, như: Biếng ăn, chảy nước miếng, sốt.
Khi đó, cô giáo cần chú ý, kiểm tra ở lòng bàn tay, chân, cũng như yêu cầu trẻ há miệng để xem có vết loét không. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, giáo viên cần liên hệ phụ huynh để đưa trẻ đến bác sĩ khám. Từ đó, xác định bệnh và có cách điều trị thích hợp.
Bác sĩ Trinh cảnh báo, tỷ lệ bệnh nặng, tử vong do tay chân miệng đang xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi là nhóm thường xuyên đến trường. Do đó, cần truyền thông cho các nhà trường, cũng như giáo viên về cách phòng bệnh. Giáo viên cần nhắc trẻ rửa tay trước, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Các giáo viên cũng cần được tập huấn để phát hiện sớm những dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng.
“Nếu phát hiện trong lớp có một ca mắc tay chân miệng, giáo viên cần đưa trẻ nhiễm bệnh tới phòng y tế để cách ly. Sau đó, hãy liên hệ phụ huynh đưa con tới bệnh viện. Mặt khác, cô giáo hãy thông báo tới tất cả phụ huynh về việc trong lớp ghi nhận một ca tay chân miệng. Sau đó, khuyến cáo các phụ huynh này theo dõi sức khoẻ trẻ”, bác sĩ Trinh khuyến cáo.