Việc ôm ấp vật nuôi, nhất là chó mèo, khiến nhiều người bị nhiễm bệnh. Đó là khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo chỉ phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người.
Theo báo Dân Trí, TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, có hàng chục nghìn người Việt phải vào viện vì bệnh lý do các loại giun sán mỗi năm. Đáng chú ý, việc gia tăng nuôi chó mèo làm thú cưng đã khiến bệnh giun đũa chó mèo hiện nay đang bùng nổ.
"Đây là bệnh có nguyên nhân do nuôi thú cưng, thường xuyên ôm ấp thú cưng. Khi ôm, ngủ cùng thú cưng, người nuôi dễ nuốt phải trứng giun đũa chó mèo", TS Cảnh thông tin.
Dẫn tin từ báo Thanh Niên, riêng tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc NIMPE), là bệnh viện chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng côn trùng, trong năm 2023 đã điều trị 15.527 bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó mèo. Ước tính cả nước có 30.000 người bị bệnh do nhiễm giun đũa chó, mèo tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Giun đũa chó, mèo (toxocara canis) khi trên vật chủ (sống trong ruột chó, mèo) sẽ đẻ trứng. Trứng giun theo phân ra ngoài môi trường, người nuốt phải trứng này, do quá trình ăn uống vệ sinh cá nhân không đảm bảo, do ôm ấp thú cưng. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh.
TS.BS Hoàng Đình Cảnh đã đặc biệt lưu ý, ông cho hay ở nước ta hiện có rất nhiều người bị nhiễm sán lá gan nhỏ. Một số nơi có tới 65% dân số nhiễm sán lá gan nhỏ, nhất là ở những địa phương có thói quen ăn tái, gỏi. Hàng năm có khoảng 1 triệu người nhiễm sán này. Hiện nay số người bị sán lá gan đã ghi nhận tại 32 tỉnh, thành.
Điều đáng lo ngại khi tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ ấu trùng giun, sán.
Theo thống kê từ Cục Thú y cho biết, Việt Nam hiện có 7,6 triệu con chó, mèo, nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con).
Để phòng tránh nhiễm giun đũa chó mèo, người nuôi cần phải vệ sinh, tắm rửa cho chó mèo thường xuyên; phải tẩy giun sán cho chó mèo định kỳ 3-6 tháng/lần; bên cạnh đó, không để phân chó mèo phát tán ra môi trường. Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.