Dù tình trạng ca mắc có giảm nhưng vẫn ghi nhận một ổ dịch tay chân miệng mới.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) >Hà Nội, trong tuần (từ ngày 29-4 đến 5-5), Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 232 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa có tử vong.
Đối với >bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 35 ca mắc (giảm 6 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 506 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa có ca tử vong.
Dù số mắc đang giảm nhưng đáng chú ý là trong tuần vẫn ghi nhận thêm 1 >ổ dịch tay chân miệng mới tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì.
Về bệnh thuỷ đậu, trong tuần có 35 ca mắc (giảm 32 ca so với tuần trước đó). Tính từ đầu năm cho đến nay, thành phố có 1.385 ca mắc thuỷ đậu (tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chưa có ca tử vong.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh, phòng khám Nhi, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn thông tin trên Báo Thanh Niên cho hay, ngoài dịch tay chân miệng, ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi hoặc sốt siêu vi khi thời tiết thay đổi. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến cho thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm phát tán mầm bệnh tiêu chảy làm cho các vấn đề tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là tiêu chảy cấp như viêm dạ dày ruột cấp trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh cho biết, số bệnh nhi đến khám tăng 30-60% so với tháng trước, tập trung vào bệnh hô hấp và tiêu hóa.
Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng vừa qua, đặc biệt tại Hà Nội với nhiệt độ cao nhất phổ biến trên 39 độ C, có nơi lên 39,6 độ C, số người già và trẻ em nhập viện gia tăng.
Các bác sỹ khuyến cáo, mùa Hè, nhiệt độ môi trường tăng cao, người dân cần để nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, mở cửa nhưng bảo đảm không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virus trong môi trường; phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà...
Đối với các bệnh chưa có vaccine phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, người dân chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã... Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh; thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng như thủy đậu.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh. Mọi người cần ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả tươi để tăng sức đề kháng. Riêng với trẻ, chế độ ăn cần đa dạng, tăng cường rau quả giàu vitamin C, A để hỗ trợ hệ miễn dịch... Để phòng bệnh đường tiêu hóa, mọi người không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, không uống nước lã; sử dụng lồng bàn đậy đồ ăn và diệt ruồi nhặng; rửa tay sạch trước khi ăn và chế biến thực phẩm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, chén bát đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng.
Trẻ mắc bệnh cần cách ly tối thiểu 10 ngày để đảm bảo không lây nhiễm, sau đó có thể đi học trở lại. Thời gian này, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe trẻ kỹ lưỡng. Nếu trẻ sốt cao trên hai ngày hoặc sốt trên 39 độ C, giật mình (dù rất khẽ) cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị./.