Ngập lụt sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển, gây dịch bệnh cho người.
Theo thông tin từ Thanh Niên, Bộ Y tế cho biết, ngập lụt sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển, gây> dịch bệnh cho người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da,> sốt xuất huyết.
Để phòng bệnh do ngập lụt sau mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày, tránh lây bệnh do muỗi đốt, trong đó có sốt xuất huyết.
Bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, lỵ, thương hàn, tả, viêm gan A) rất dễ mắc phải do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, người dân cần ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi, >chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh; khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế để phòng bệnh đường tiêu hóa.
Các bệnh ngoài da dễ mắc do lũ lụt là nấm chân, tay; viêm lỗ chân lông; hắc lào; lang ben; ghẻ lở và mụn nhọt. Để phòng bệnh, không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát. Không mặc áo quần ẩm ướt. Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da, còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn.
Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân. Lưu ý phòng ngừa các bệnh đường hô hấp bằng cách giữ ấm khi trời lạnh, đảm bảo đủ >dinh dưỡng, nhất là trẻ em, người già; tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp.
Đáng lưu ý, thực tế điều trị các năm gần đây, một số đơn vị chuyên khoa đầu ngành ghi nhận các ca bệnh >Whitmore thường tăng sau các đợt mưa bão, lũ lụt. Đây là bệnh có có tỷ lệ tử vong cao. Tác nhân gây ra căn bệnh chết người này là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật. Vi khuẩn gây bệnh này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.
Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bệnh Whitmore phát triển. Các ca bệnh có xu hướng gia tăng vào thời điểm này, tập trung từ tháng 9 - tháng 11 hằng năm, nên người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể bệnh nhân bị "ăn mũi" dẫn đến tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ cao mắc bệnh và diễn biến nặng.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…
Whitmore là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, nhưng bệnh có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, người dân và các đơn vị y tế cần lưu ý các triệu chứng để chẩn đoán sớm.
Dẫn tin từ VnExpress, dưới đây là 9 biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa bão, theo HCDC.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng
Mưa nhiều gây ra độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh. Khi vô tình tiếp xúc với những đồ vật có chứa vi khuẩn, virus gây bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ gặp nguy hiểm.
Vì vậy, nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể.
Hạn chế dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng
Vi khuẩn, virus gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua mắt, mũi, miệng. Do đó cần hạn chế dùng tay dụi mắt, mũi, miệng hoặc lau mồ hôi, thay vào đó có thể dùng khăn sạch hoặc khăn tay.
Bên cạnh đó, cũng nên rửa mặt thường xuyên để loại bỏ các vi khuẩn, bụi bẩn trên mặt và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%.
Ăn chín, uống chín
Thực phẩm bán vỉa hè hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh có thể tiếp xúc với mầm bệnh trong không khí và nước.
Để đảm bảo an toàn, nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Bạn cũng có thể tự chế biến để đảm bảo bữa ăn an toàn.
Tăng cường vitamin cho cơ thể
Có thể tăng sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ sung vitamin C và E ở dạng tự nhiên (cam, quýt, ổi...) hoặc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung. Các vitamin này giúp kích hoạt kháng thể loại bỏ virus cúm nhanh hơn và làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nên đưa các loại trái cây tươi và rau củ quả giàu vitamin A, B, C, E, chất chống oxy hóa và khoáng chất vào khẩu phần ăn hằng ngày. Ngoài ra, hãy ăn một bát canh nóng trong mỗi bữa để giúp cân bằng thân nhiệt và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp chống lại và ngăn ngừa nhiều bệnh tật, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Nước làm sạch cơ thể và hỗ trợ thải bỏ vi trùng, vi khuẩn ra ngoài, ngăn ngừa nguy cơ cảm lạnh, cảm cúm.
Phòng chống muỗi, côn trùng
Thời tiết ẩm ướt cũng là môi trường để muỗi và côn trùng sinh sôi, phát triển. Do đó, hãy giữ nhà cửa khô ráo, sạch sẽ, để ý đến các chậu hoa, vòi phun nước, cống rãnh... và dọn dẹp, lau chùi để nước không đọng lại.
Ngoài ra, có thể dùng thuốc xịt, nhang chống muỗi và côn trùng hoặc bôi kem chống muỗi trên cơ thể, ngủ mùng để tránh bị muỗi, côn trùng đốt.
Tăng cường rèn luyện thể chất
Rèn luyện thể chất là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Khi cơ thể hoạt động sẽ phóng thích ra năng lượng và được chuyển hóa thành nhiệt năng, giúp cơ thể chống lại thời tiết lạnh ngoài trời.
Trong mùa mưa bão, nên ưu tiên chọn những môn thể thao phù hợp trong nhà để duy trì luyện tập.
Tránh vùng ngập nước
Nước bẩn đọng lại sau mưa bão là nguyên nhân gây ra các bệnh như tiêu chảy, cúm, tả và nhiễm trùng da, nấm. Trong mùa này nên chuẩn bị sẵn áo khoác (có trùm đầu), áo mưa, ô dù và ủng không thấm nước hoặc giày cao su để sử dụng khi trời mưa, giúp giữ khô chân, không bị nhiễm nước bẩn.
Tìm nơi trú khi trời mưa
Khi mưa lớn và nặng hạt, nên tìm nơi trú ẩn và cố gắng không để cơ thể bị ướt. Bên cạnh đó, không nên đứng gần cột điện hoặc dưới gốc cây để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.