Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung có dấu hiệu gia tăng dịch bệnh, ngành y tế có những khuyến cáo và phương án điều trị, xử lý thích hợp.

My My (t/h) 18:50 11/06/2023

Theo báo cáo mới nhất của CDC Đà Nẵng, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn đang có chiều hướng tăng. Trong đó, khu vực Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn… là những địa phương ghi nhận số ca mắc tay chân miệng cao.

"Hiện nay, bệnh tay chân miệng ở TP.HCM đang diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều trường hợp nặng, nguy cơ tử vong cao. Do không loại trừ có biến chủng mới nên CDC Đà Nẵng sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để giải trình tự gene nhằm xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm. Từ đó có phương án xử lý, điều trị hiệu quả hơn", ông Lâm thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống.

Dịch tay chân miệng gia tăng ở Đà Nẵng. Ảnh: Internet

CDC Đà Nẵng cũng tăng cường tuyên truyền đến bậc phụ huynh về cách nhận biết bệnh cũng như các triệu chứng tăng nặng của bệnh tay chân miệng để kịp thời đưa trẻ đến viện. Hiện hầu hết số ca bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Ngoài các ca bệnh ghi nhận trên địa bàn TP. Đà Nẵng, cơ sở y tế này còn đảm nhận nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhi đến từ Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh lân cận.

Theo CDC Đà Nẵng, sau một thời gian lắng xuống, dịch >sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Mặc dù số ca mắc chưa cao so với cùng kỳ năm 2022 nhưng nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc tăng liên tục hai tuần qua. Trong đó, Hòa Vang, Sơn Trà, Thanh Khê là những quận/huyện ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng.

CDC đã cử cán bộ giám sát xử lý ca đơn lẻ và ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết tại Thanh Khê, Hòa Vang. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục >sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi….

Không loại trừ biến chủng mới gây nguy cơ tử vong cao. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống 

Do hướng điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng khác nhau nên nếu không có cách điều trị phù hợp dung hòa được cả hai bệnh thì có thể khiến tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi. Chính vì vậy khi tiếp nhận các ca bệnh đồng nhiễm sốt xuất huyết và tay chân miệng các bác sĩ cần phải hết sức chú ý tới các triệu chứng của bệnh nhân. Bên cạnh đó cần cho bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng bệnh.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân giảm, HTC cô đặc có nghĩa là bệnh sốt xuất huyết đang chiếm ưu thế. Nếu bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng thì bệnh tay chân miệng đang có diễn tiến nặng hơn. Các bác sĩ cần nhận định chính xác bệnh nào đang có xu hướng nặng hơn để ưu tiên điều trị kịp thời.

- Chú ý trong điều trị bệnh tay chân miệng: Phụ huynh có con bị tay chân miệng cần theo dõi cơn sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu trẻ khó uống có thể chọn loại có hương vị dễ chịu như cam. Tắm cho bé trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn, vệ sinh răng lưỡi hàng ngày bằng nước muối để tránh bội nhiễm. Trẻ cũng thường có kèm theo loét miệng, do đó, nên cho trẻ ăn đồ mát, mềm và loãng.

- Chú ý trong trị bệnh sốt xuất huyết:

Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin để phòng bệnh cũng như chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Bệnh nhân cần được điều trị triệu chứng cũng như kiểm tra lượng tiểu cầu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi mới có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh chỉ cần đến các cơ sở tuyến đầu để được thăm khám, kiểm tra và được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị tại nhà.

Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:

Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi.

Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt.

Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.

Dùng thuốc hạ sốt (thường dùng Paracetamol dạng uống hoặc đặt viên đặt hậu môn, tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch: Việc truyền dịch cần thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.

Nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như: sốt, phát ban, nôn mửa...cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán chính xác.

Để phòng bệnh phụ huynh nên dọn dẹp nơi ở, diệt muỗi, lăng quăng, bên cạnh đó cần cho trẻ rửa tay thường xuyên, thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các vật dụng tiếp xúc hàng ngày để phòng bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi trẻ cẩn thận nhằm phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo bệnh để điều trị kịp thời.

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe