Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tím tái, một mảng cháy da vùng ngực, háng bên phải, mặt trong của đùi phải.

N.L (t/h) 12:22 12/04/2023

Theo Báo Giáo dục thời đại, thông tin từ bệnh viện, anh H. V. A (sinh năm 1983) ngụ tại TP >Cần Thơ bị >sét đánh khi đang làm việc ở ngoài trời lúc chuyển mưa, được đồng nghiệp đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Lúc nhập viện, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, da tím tái, có một mảng cháy da vùng ngực, háng bên phải, mặt trong của đùi phải.

Ngay lập tức, Khoa Cấp Cứu tiến hành kích hoạt Code Blue tim toàn viện (Quy trình báo động toàn viện để cấp cứu người bệnh ngưng tim, ngưng thở) tiến hành cấp cứu cho người bệnh.

Trong quá trình cấp cứu, anh A xuất hiện những cơn rối loạn nhịp tim nguy hiểm phải tiến hành sốc điện khử rung nhiều lần. Sau hơn 15 phút cấp cứu tích cực, người bệnh có nhịp tim và huyết áp trở lại, tình trạng dần ổn định hơn.

Bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở khi nhập viện. Ảnh: VnExpress

Anh A được đưa qua Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) để theo dõi và tiếp tục điều trị. Sau 5 ngày hồi sức tích cực, người bệnh đã qua cơn nguy hiểm, các chỉ số sinh hiệu ổn định, được chuyển nội trú theo dõi.

Hiện anh N.V.A >sức khỏe bình thường, đã được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú.

Sét đánh rất nguy hiểm. Ảnh: Internet

 

Bác sĩ Lê Minh Toàn, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thông tin trên VnExpress cho biết, thương tổn ở người bị sét đánh rất phức tạp, gần như hiếm có cơ hội sống. Dòng điện do sét đánh chạy qua cơ thể có khả năng phá hoại quá trình sinh học của cơ thể, kích thích các tế bào gây co giật cơ bắp, đặc biệt là cơ tim. Những tác động này làm tổn thương cơ thể sống, có thể phá hoại, làm ngừng hoàn toàn hoạt động của cơ quan hô hấp và tuần hoàn.

Người bị sét đánh cần được nhanh chóng sơ cứu và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được hồi sức tích cực kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.

N.L (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe