Singapore, Malaysia và các quốc gia khác hiện đang tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống và điều trị đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Theo trang SCMP, một biến thể của bệnh >đậu mùa khỉ dễ lây lan hơn đang thúc đẩy sự sẵn sàng của Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác trong nỗ lực tăng cường giám sát và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng.
Ông Dale Fisher, Giám đốc Trung tâm ứng phó khẩn cấp về bệnh truyền nhiễm của Đại học Quốc gia Singapore cho biết các cơ sở cách ly cộng đồng tạm thời và cơ sở hạ tầng chăm sóc >sức khỏe đã từng sử dụng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng tôi không thấy điều này là cần thiết đối với >bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Singapore nhấn mạnh trẻ em dễ bị nhiễm chủng virus mới hơn, đồng thời cảnh báo rằng độc lực của bệnh đậu mùa khỉ có thể lớn hơn dự kiến.
"Sự lây lan có khả năng diễn ra nhanh chóng và dữ dội, với tốc độ tương tự như một đợt bùng phát bệnh tay chân miệng tại một cơ sở chăm sóc trẻ em", Leong Hoe Nam, một chuyên gia tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena cho biết.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đã mô tả tình hình là "rất đáng lo ngại" và cho rằng Singapore sẽ là một trong "những nơi đầu tiên phát hiện ra các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ với các biến thể mới vì các chuyến bay kết nối thường xuyên đến quốc đảo này.
"Tôi muốn nói rằng, nhìn chung, đây là một tình huống rất đáng lo ngại, đặc biệt là đối với lục địa Châu Phi. Tôi cũng cho rằng chúng ta nên làm việc với tư thế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở Châu Á", ông nói với các phóng viên.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines đã báo cáo một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây là ca mắc đầu tiên ở nước này kể từ tháng 12 năm ngoái, đồng thời cho biết họ đang chờ kết quả xét nghiệm trước khi có thể xác định chủng virus.
"Bệnh nhân là một người đàn ông Philippines 33 tuổi, chưa có tiền sử đi ra nước ngoài", Bộ Y tế nước này xác nhận.
Diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn ngay sau khi Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Phi báo cáo trường hợp mắc biến thể clade 1b, trong khi Pakistan cũng báo cáo trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ mặc dù chưa xác nhận chủng virus.
Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á sẵn sàng biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ
Các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia và Indonesia đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tăng cường các hoạt động giám sát và phòng chống lây nhiễm bệnh trong bối cảnh lo ngại gia tăng đối với bệnh này.
Tại Malaysia, tất cả du khách từ các quốc gia đã ghi nhận có ca mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ phải theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày sau khi nhập cảnh, trong khi những người có các triệu chứng như phát ban phải được kiểm tra tại cơ sở y tế và tránh tiếp xúc với người khác.
Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Malaysia cho biết các bác sĩ phải thông báo ngay khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ và nếu đã xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ thì phải đến cơ quan y tế quận gần nhất để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.
Chính quyền địa phương cũng đang có động thái để đảm bảo rằng các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến tiếp xúc gần với khách hàng, chẳng hạn như dịch vụ spa hoặc massage, thực hiện vệ sinh cá nhân và giữ cho môi trường sạch sẽ.
"Nếu một nhân viên hoặc khách hàng có triệu chứng, họ nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức", tuyên bố cho biết.
Tại Indonesia, du khách nước ngoài phải khai báo hồ sơ bệnh án và lịch sử du lịch gần đây của họ bằng cách điền vào các biểu mẫu tại cổng nhập cảnh.
"Du khách bị bệnh được khuyến cáo không nên tiếp tục chuyến đi đến Indonesia", Bộ Y tế cho biết vào ngày 18/8, theo báo cáo của trang tin tức trực tuyến hàng ngày Jakarta Globe.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cho biết mặc dù rủi ro sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp đối với quốc gia này là thấp, nhưng các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng. Du khách đến Singapore được yêu cầu báo cáo các triệu chứng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, chẳng hạn như sốt hoặc phát ban, và lịch sử đi lại.
"Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore có khả năng chẩn đoán và quản lý hiệu quả các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chúng tôi đã thông báo cho tất cả các bác sĩ và cơ sở chăm sóc sức khỏe phải cảnh giác trong việc phát hiện và báo cáo tất cả các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm cả những trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng nhóm I", Bộ Y tế Singapore cho biết.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định diễn biến bệnh đậu mùa khỉ ít nguy hiểm hơn so với thời kỳ Covid-19 bởi những nỗ lực hiện có nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như việc các quốc gia tăng cường năng lực xét nghiệm, phòng ngừa và điều trị.
"Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với bệnh đậu mùa khỉ từ năm 2022 đến 2023 là lời cảnh tỉnh sớm để thế giới tăng cường các chiến lược tiêm chủng, năng lực chẩn đoán và sự tham gia của cộng đồng", Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Quốc tế cho biết./.