Cảm thấy như bị "giam lỏng" là cách gia đình người phụ nữ 30 tuổi, sống tại một chung cư quận Hà Đông (Hà Nội) mô tả về tình cảnh của gia đình mình suốt một tuần qua. Vợ chồng chị và 2 người con đều bị đau mắt đỏ.
Theo thông tin từ Dân Trí, đầu tuần trước, con gái lớn (6 tuổi) bắt đầu xuất hiện tình trạng đỏ một bên mắt, ngứa. Chị vội đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm kết mạc mắt do virus.
"Biết là >đau mắt đỏ dễ lây nhưng con còn nhỏ nên chúng tôi cũng không thể nào tránh được việc liên tục tiếp xúc", chị chia sẻ.
Đến cuối tuần, cả chồng và con trai út của chị bị đau mắt đỏ cùng lúc và chỉ 2 ngày sau, chị trở thành thành viên cuối cùng trong gia đình mắc bệnh.
Từ khi 2 con bị đau mắt đỏ không thể đi học, chị và chồng đã phải thu xếp công việc và xin công ty cho ở nhà làm việc từ xa. Để không lây lan cho mọi người xung quanh, hai vợ chồng chị chỉ ra ngoài khi có việc thật cấp thiết.
"3-4 ngày tôi mới xuống chợ một lần và mua gom đồ ăn cho nhiều ngày để hạn chế ra ngoài. Khi có việc quan trọng phải gặp gỡ người ngoài, vợ chồng tôi đều mang kính dù không bị cận. Xong việc là về nhà ngay", chị chia sẻ.
Sống ở chung cư nên việc phải tự cách ly tại nhà lại càng bức bí. Suốt gần 2 tuần, cả gia đình hầu như chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường.
Một trường hợp khác ở Hà Nội là gia đình người cô gái 26 tuổi. Sống cùng gia đình chị gái có trẻ nhỏ, cô gái này ngay lập tức tự cách ly mình trong phòng ngủ.
"Tôi tự cách ly giống như hồi còn dịch Covid-19", cô mô tả. Mỗi khi cần đồ ăn và các vật dụng cần thiết, cô sẽ nhắn tin nhờ chị gái đặt trước cửa, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.
Việc bị đau mắt đỏ khiến công việc và sinh hoạt bị đảo lộn. Mắt trái luôn trong tình trạng ngứa, cộm, chảy dịch.
"Công việc của tôi yêu cầu phải dùng máy tính rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng đau mắt khiến tôi phải chia thời gian làm việc ra thành từng khoảng ngắn 15 phút cách quãng", cô gái trẻ mô tả.
Dẫn tin từ VnExpress, Bác sĩ Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Mắt, cho biết bệnh viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.
Bệnh khởi phát 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng là xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus; hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ kèm viêm mũi, họng, sốt.
Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh nguy cơ xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, khiến bệnh lâu khỏi hoặc gây tổn thương giác mạc). Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét, ảnh hưởng thị lực lâu dài của trẻ.
Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là adenovirus; còn lại là virus herpes, thủy đậu, poxvirus... Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng của người bệnh, hoặc dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân.
Với trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cấp, đặc biệt trường hợp bệnh nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt. Cố gắng tra thuốc vào mắt và dỗ trẻ không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài. Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị, chăm sóc mắt và đưa trẻ tái khám đúng hẹn, hoặc khám ngay khi có bất thường.
Để phòng tránh, cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu mắt chảy nhiều nước, có nhiều ghèn rỉ, cần sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (một lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy, tránh tạo nguồn lây cho gia đình và người xung quanh; sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
Ngoài ra, không đeo kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc. Người bệnh sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như thực phẩm, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ. Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.