Gần 15 triệu người Việt Nam đang mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm, lo âu đứng đầu bảng.

Thiên Bảo (t/h) 07:09 12/04/2023

Theo Báo VnExpress, thông tin được Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nêu tại mít tinh hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, hôm 10/10.

Ông Thuấn chia sẻ trên VnExpress cho biết, theo ước tính, tỷ lệ >rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân quan niệm rối loạn tâm thần là ">tâm thần phân liệt", dân gian thường gọi là "điên". Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Ở trẻ em, tỷ lệ mắc các bệnh rối loạn tâm thần là 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc >sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.

Cơ sở y tế khám chữa bệnh. Ảnh: VietNamNet

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2019, cứ 8 người lại có một người sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và >trầm cảm là phổ biến nhất. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố có hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần từ cộng đồng đến cơ sở chuyên khoa.

Mạng lưới rộng khắp từ 310 trạm y tế xã phường đến các phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm y tế quận huyện. Các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị người lớn và trẻ nhỏ có vấn đề về sức khỏe tâm thần gồm Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa. Có khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần.

Ngoài ra, TP cũng chăm sóc cho khoảng 4.000 người bệnh tâm thần lang thang cơ nhỡ tại các trung tâm, triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường, triển khai mô hình dịch vụ cấp cứu trầm cảm…

Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Ảnh: VnExpress

Từ khi đi vào hoạt động, tổng đài "Cấp cứu trầm cảm" tiếp nhận hơn 180 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ, 40 trường hợp được đưa đến Bệnh viện Tâm thần điều trị. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chia sẻ trên VnExpress cho biết các rối loạn tâm thần không xác định được nguyên nhân cụ thể, thường là do sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường. Ví dụ như chấn thương tâm lý nghiêm trọng khi còn nhỏ, như mất cha mẹ, là nạn nhân của bạo lực, bị phân biệt đối xử và kỳ thị, lạm dụng chất gây nghiện...

"Rối loạn tâm thần cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác cần được chẩn đoán và có thể điều trị. Vì vậy mỗi người dân cần có nhận thức đúng về rối loạn tâm thần, chống lại sự kỳ thị", ông Khuê nói và thêm rằng mọi người đều ngại ngùng khi thừa nhận các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ.

Theo ông Khuê, mặc dù có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả, nhưng điều đáng buồn là hầu hết người bệnh tâm thần không được phát hiện sớm, quản lý điều trị hiệu quả về y tế và xã hội, do việc tiếp cận với các trị liệu còn hạn chế.

Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần ngày trở nên nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, với một trong số các nội dung của mục tiêu chung là "tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác".

 

Thiên Bảo (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe