Khi được người lớn giải cứu thì vùng đầu mặt và khắp cơ thể cả hai bé đã chi chít vết đốt.
Theo thông tin từ Tiền Phong, ngày 3/10, thông tin từ BS. Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp nhiễm độc rất nặng do bị >ong vò vẽ tấn công. Bệnh nhi là anh em ruột gồm bé trai D.Q.T (5 tuổi) và em gái là D.M.T.D (3 tuổi cùng ngụ tại tỉnh Kiên Giang) được chuyển viện trong tình trạng tổn thương đa cơ quan.
Trước đó, hai anh em đang chơi trong sân nhà cùng người chị họ 8 tuổi thì bất ngờ có gió to khiến tổ ong vò vẽ trên cây rơi xuống. Bầy ong bay ra tấn công 3 đứa trẻ. Bé gái 8 tuổi chạy thoát nên chỉ bị đốt ít vết, hai anh em bé T bị bầy ong bao vây tấn công. Khi được người lớn giải cứu thì vùng đầu mặt và khắp cơ thể cả hai bé đã chi chít vết đốt.
Ngay sau đó, 2 bệnh nhi được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố trong tình trạng sốc nhiễm độc. BS. Minh Tiến cho biết, khi nhập viện bé D. đã rơi vào trạng thái lơ mơ, trụy tim mạch, khó thở tím tái, vàng da vàng mắt, tiểu ít, tiểu ra máu. Kiểm tra trên cơ thể bé D, các bác sĩ ghi nhận 55 vết ong đốt; bé T. có 28 vết ong đốt, bị tổn thương gan nặng, suy hô hấp.
Cả hai bệnh nhi đã được đặt nội khí quản, thở máy, điều trị tích cực. Riêng bé D. phải lọc máu liên tục, sau 2 đợt lọc máu, tình trạng của bé đã cải thiện khả quan. Sau một tuần điều trị, tình trạng >sức khỏe của anh em bệnh nhi đang bình phục, các bé đã cai được máy thở, qua được giai đoạn nguy kịch.
Dẫn tin từ báo Pháp luật Việt Nam, PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để tránh hậu quả nghiêm trọng, khi trẻ bị ong đốt, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử trí, nhanh chóng di chuyển trẻ tới khu vực an toàn tránh bị đốt nhiều hơn. Sau đó thực hành các bước như sau:
- Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 10 phút.
- Trường hợp trẻ có một trong các dấu hiệu sau: có nhiều vết đốt; bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ, kèm theo phù nề lan nhanh hoặc có sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt, cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không nên trì hoãn để thực hiện các bước sơ cứu tại nhà.