Một tháng trước, em bị ngứa và xuất hiện mụn nhọt ở vùng khoeo chân. Người nhà cho đắp thuốc không rõ nguồn gốc nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn, đau buốt, co quắp không đi lại được, bị nôn trớ liên tục.

Tuệ Anh (TH) 12:11 04/08/2023

Theo thông tin từ VTC News, ngày 4/8, ThS.BS Đỗ Tuấn Anh, khoa Chấn thương 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết mới tiếp nhận bệnh nhi B.T.P. (10 tuổi, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị áp xe vùng khoeo chân.

Một tháng trước, P. bị ngứa và xuất hiện> mụn nhọt ở vùng khoeo chân. Người nhà cho đắp thuốc không rõ nguồn gốc nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn, đau buốt, co quắp không đi lại được, bị nôn trớ liên tục.

Gia đình đưa P. đi khám bệnh viện. Kết quả xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang, cộng hưởng cho thấy bệnh nhi bị áp xe vùng khoeo chân, tổn thương diện khớp gối, các gân cơ co kéo và nguy cơ hạn chế tầm vận động khớp gối.

Hiện P. được trích rạch dẫn lưu ổ áp xe và duy trì kháng sinh liều cao để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn. Sau phẫu thuật, người bệnh ổn định, ăn uống bình thường và có thể đi lại nhẹ nhàng.

Em P nhập viện sau nhiều ngày chữa mụn nhọt ở nhà - Ảnh: VTC News

Trước đó, nhiều trường hợp phải nhập viện khẩn vì> chữa mụn nhọt bằng các loại thuốc đắp trong rõ nguồn gốc tại nhà. Theo VietNamNet, bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, các bác sĩ đang tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân P.T.D (43 tuổi, ngụ xã An Chu, huyện Trảng Bom) bị nhiễm trùng khớp vai do dùng thuốc không đúng cách.

Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trạng sốt cao, bắp tay mưng mủ, sưng to, đau nhiều gần một tháng không rõ nguyên nhân.

Anh D. kể lại, gần 1 tháng trước, trên phần bắp tay phải xuất hiện mụn nhọt, lâu dần mưng mủ và sưng to. Anh được người quen giới thiệu nên tự đắp lá cây bìm bịp giã nát theo bài thuốc dân gian và uống thêm thực phẩm chức năng giúp tái tạo tế bào da không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà càng trở nặng hơn, u mưng mủ nhiều, bắp tay to ra, đau nhức liên tục nên anh phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết ngay sau khi nhập viện, anh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu gấp vì có dấu hiệu mưng mủ nhiễm trùng. Bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong rất cao. Do anh D. nhiễm trùng nặng và lâu ngày, khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được hơn 0,5 lít mủ ở bắp tay.

1 trường hợp nhập viện vì đắp thuốc điều trị ở nhà - Ảnh: VietNamNet

Theo bác sĩ Quang, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý đắp lá theo dân gian để điều trị gây nên tình trạng nhiễm trùng. Đây là trường hợp nặng nhất từ trước đến nay.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng các loại lá cây đắp theo các bài thuốc dân gian. Bởi lá cây không phải vô khuẩn, vô trùng nên sẽ làm tăng thêm tình trạng bội nhiễm, gây ra dị ứng dẫn đến nhiễm trùng và làm cho vết thương trầm trọng hơn. 

Tuệ Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe