Bệnh nhân được điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, mới đây khoa hồi sức tích cực - chống độc bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, tiếp nhận bệnh nhân T.T.T. (46 tuổi) trong tình trạng nguy kịch.
Gia đình bà T. cho biết trước khi nhập viện khoảng 10 phút, khi đang đi làm bà T. bị> kiến xoan đốt vào sườn bên phải. Sau khi bị kiến cắn khoảng 5 phút, bà T. bắt đầu vã mồ hôi, tím tái, ngất lịm.
Bà T. nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, sùi bọt mép, tiết nhiều đờm dãi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, thở ngáp.
Bác sĩ Chẩu Thị Nguyệt - khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang - cho hay ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ mức độ nguy kịch và được cấp cứu nhanh chóng.
Bệnh nhân được điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt. Sau 10 phút nỗ lực chạy đua với tử thần, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân dần tỉnh, thở theo máy.
Dẫn tin từ VnExpress, nọc độc của kiến có thể gây phản ứng độc cục bộ cho cơ thể, dị ứng ở những người nhạy cảm.
Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào liều nọc độc và mức độ nhạy cảm trước đây của người bệnh. Người có nồng độ IgE cao có nguy cơ bị> sốc phản vệ khi kiến đốt, nhất là trẻ em. IgE là kháng thể được hệ miễn dịch tạo ra trong quá trình phản ứng dị ứng.
Xét nghiệm định lượng IgE trong máu được sử dụng để sàng lọc và phát hiện các bệnh dị ứng. Mức độ tăng IgE cho biết một quá trình dị ứng có thể xảy ra nhưng không cho biết cụ thể dị ứng với tác nhân nào.
Bác sĩ khuyến cáo nên chú ý phòng tránh, đặc biệt là người mắc bệnh nền hoặc có cơ địa dị ứng. Trong trường hợp bị kiến hoặc các loại côn trùng có nọc độc đốt, cắn, người bệnh có những dấu hiệu bất thường của cơ thể nên đến bệnh viện để được xử trí đúng và kịp thời.